"Một dãy núi mà hai màu mây/Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác...". Mấy câu thơ của Phạm Tiến Duật cứ hiện lên trong tâm trí tôi trên cung đường khúc khuỷu dọc ngang miền biên giới Quảng Trị. Những ngôi nhà sàn của người Pa Kô, Vân Kiều được điểm tô bởi sắc thắm của cờ đỏ sao vàng, hòa lẫn với màu xanh của đại ngàn Trường Sơn lúc ẩn, lúc hiện. Bức tranh biên giới vẽ ra sự kỳ vĩ vốn có.
Như được sinh ra một lần nữa
Trên đường vào bản A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trung tá Trần Bình Quy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Tầng thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị, kể cho tôi nghe câu chuyện của vùng đất này hơn 20 năm trước.
Hồi đó, có một số người Pa Kô, Vân Kiều sinh sống rải rác ở dọc tuyến biên giới giáp với nước bạn Lào, được gọi là "bản xâm cư". Họ không có quốc tịch, không có hộ khẩu nên không có bất cứ quyền công dân nào. Vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn, trẻ con không có giấy khai sinh, người già không được khám chữa bệnh. Cuộc sống của họ phó mặc số mệnh cho Giàng. "Tại sao họ lại không có quốc tịch?" - tôi hỏi. Trung tá Quy giải thích: "Trước đây bà con đã sống ở bản này nhiều đời nhưng do chiến tranh, để tránh bom đạn, họ đã lùi sâu vào rừng. Khu vực đó sau khi hoạch định biên giới thuộc phần lãnh thổ của nước bạn Lào, vì thế cả bản trở thành công dân Lào. Ở trên đất Lào nhưng nương rẫy, mồ mả tổ tiên của họ chủ yếu nằm trên phần đất Việt Nam, nên từ năm 1995 đến năm 2000, họ lần lượt tìm về quê cha đất tổ, chấp nhận làm người "không quốc tịch". Mặc dù chính quyền địa phương, BĐBP và công an thường xuyên vận động bà con quay lại sinh sống trên đất bạn Lào nhưng bà con quyết xin ở lại, với lý do rằng: "Bầu trời thì to nhưng Giàng chỉ ở một chỗ, tổ tiên ở đâu thì phải cúng Giàng ở đó".
"Không quốc tịch", chỉ 3 từ đó thôi cũng đã chất chứa đủ mọi thiệt thòi. Thấy tôi trầm tư, trung tá Quy cười lớn: "Đó là chuyện của trước đây, giờ bà con có quốc tịch hết rồi!". Thấy tôi còn chưa hết ngạc nhiên, anh nói tiếp: "Ngày 8-7-2013, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Sau đó, các lực lượng liên quan của 2 Chính phủ đã phối hợp tích cực với nhau khảo sát rồi tiến hành các thủ tục cần thiết. Đến năm 2020, về cơ bản bà con di cư tự do từ những năm 1990 trở về trước trong vùng biên giới giữa hai nước thuộc 3 tỉnh: Quảng Trị, Savanakhet, Salavan đều đã được nhập quốc tịch".
Xe dừng lại ở đầu bản. Chúng tôi cùng nhau cuốc bộ tới nhà trưởng bản Hồ Văn Kía, người đứng đầu "bản xâm cư" năm nào. Gặp cán bộ BĐBP, ông Kía rất vui bởi chính các anh đã cất công đi xác minh và tìm lại giấy tờ để làm thủ tục nhập tịch cho gia đình ông. Sau chén rượu đượm mùi men lá để tạ phong tục, ông Kía khoe với chúng tôi thẻ căn cước công dân mới nhận và thẻ bảo hiểm y tế. Ánh mắt ông lấp lánh: "Hơn 20 năm là tính từ khi có "bản xâm cư", chứ còn tên gọi "người không quốc tịch" thì bố mang theo gần cả kiếp người rồi. Giờ có quốc tịch như được sinh ra thêm một lần nữa vậy. Mừng nhất là lũ trẻ con không phải đi học "chui", học "nợ" vì thiếu giấy khai sinh."
Ông Hồ Văn Kía khoe với bộ đội Đồn Biên phòng Ba Tầng các loại giấy tờ được cấp sau khi nhập quốc tịch Việt Nam
Qua ô cửa sổ nhà ông Kía, tôi thấy dăm chục em bé đang thập thò, len lén nhìn người lạ, rồi cười e thẹn và bỏ chạy khi thấy tôi vẫy lại cho kẹo. Vậy là tới thế hệ các em, đường đi học sẽ thênh thang hơn, các em có quyền quên đi mặc cảm về nguồn gốc theo đuổi ước mơ trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, chia sẻ: "Toàn xã có 6 thôn. Trong ba đợt nhập quốc tịch thì xã đã nhập được 243 nhân khẩu, đời sống của bà con tới nay cơ bản cũng ổn định. Trong khi tiến hành nhập quốc tịch thì chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để làm các giấy tờ liên quan như cấp sổ hộ khẩu, sổ hộ nghèo, thẻ bảo hiểm, giấy khai sinh cho bà con kịp thời".
Chung dãy Trường Sơn
Ở Trạm Kiểm soát biên phòng xã Xy, huyện Hướng Hóa, tôi gặp ông Bun-Thẳn Xẻng-Sụ-Păn Thanh. Ông là trưởng bản Ổi thuộc cụm bản Đen Vy Lay, huyện Mường Nòong, tỉnh Savanakhet - Lào, đi đò qua sông Sê Pôn để sang bản Ra Man, xã Xy họp giao ban kết nghĩa bản - bản định kỳ hàng quý.
Đợi trưởng thôn Thanh làm thủ tục kiểm soát hành chính xong, tôi nhờ anh đội trưởng ở Trạm Kiểm soát biên phòng xã Xy phiên dịch để hỏi chuyện. Tức thì anh đội trưởng cười phá lên: "Anh cứ hỏi đi, ông Thanh nói được tiếng Việt, đều là gốc Pa Kô, Vân Kiều cả mà!". Trưởng thôn Thanh cũng vui vẻ tiếp lời: "Tôi mang quốc tịch Lào nhưng anh em thì ở bên Việt Nam này hết. Quý trước hội nghị giao ban bản - bản tổ chức ở bên Lào rồi nên quý này tổ chức ở Việt Nam. Chúng tôi họp để cùng trao đổi thông tin cho nhau và tháo gỡ, giải quyết các vấn đề về tình hình an ninh trật tự rồi cùng nhau phát triển kinh tế của hai bên".
Một buổi họp giao ban kết nghĩa bản - bản giữa bản Ổi của Lào và bản Ra-Man của Việt Nam
Nhận thấy bà con dù sinh sống hai bên biên giới nhưng cùng uống chung nước dòng Sê Pôn, cùng đồng điệu về văn hóa, phong tục tập quán nên BĐBP Quảng Trị đã đề xuất mô hình: "Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam với hai tỉnh Salavan và Savannakhet, Lào" (gọi tắt là mô hình kết nghĩa bản - bản). Mục đích của mô hình này là để các cặp bản kết nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi hàng hóa, qua lại khám chữa bệnh, thăm thân; đồng thời cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Theo hướng dẫn của BĐBP Quảng Trị, tôi theo chân đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh ở huyện Hướng Hóa để vào các thôn, bản tận mắt thấy sự đổi thay trong cuộc sống của bà con kể từ khi có hoạt động kết nghĩa bản - bản.
Dọc hai bên vành đai biên giới là bạt ngàn những vạt chuối xanh mướt mát. Hỏi ra mới biết, gần đây, chuối đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Nhiều năm trước, bà con ở khu vực biên giới thiếu đất để mở rộng canh tác cây chuối, trong khi đó, diện tích đất đai của nước bạn Lào lại bỏ hoang hóa hoặc sản xuất không hiệu quả. Thông qua sự kết nối giữa những già làng uy tín, của bộ đội biên phòng và dưới sự quản lý của chính quyền địa phương 2 nước, nhiều người dân các xã biên giới Việt Nam đã sang hợp tác với người dân nước bạn Lào để thuê đất trồng chuối. Ngược lại, bà con bên nước bạn cũng sang Việt Nam để mượn nương trồng sắn. Cây sắn mọc khắp các triền đồi, nương rẫy, là nguyên liệu nhập về xuôi cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Kinh tế vùng biên đang thay da đổi thịt từng ngày.
Ông Hồ Hen, Chủ tịch UBND xã Xy, phấn khởi: "Mô hình kết nghĩa bản - bản được bà con hai bên biên giới đồng thuận rất cao. Từ khi có mô hình này thì mức sống của hai bên cặp bản - bản là tương đối tương đồng với nhau".
Trên đường về đơn vị, tôi thấy đội múa cồng chiêng của xã Xy đang tập tiết mục mới ở khoảng sân trước nhà văn hóa cộng đồng. Ở đó, văn hóa cồng chiêng từ ngàn đời của tổ tiên người Pa Kô, Vân Kiều đang được khôi phục và truyền giữ, kiêu hãnh ngân vang giữa đại ngàn Trường Sơn với khát vọng no ấm, đủ đầy trên dải biên cương hữu nghị, hòa bình, thịnh vượng.
Khăng khít mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào
Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị, khẳng định mô hình kết nghĩa bản - bản giữa hai nước Việt - Lào khiến cho mối thân tình giữa hai dân tộc, hai đất nước anh em càng thêm thắm đượm.
"Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Quảng Trị đã có 24/24 cặp bản tổ chức kết nghĩa. Việc kết nghĩa đó đã góp phần làm khăng khít hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào. Sự giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, trong cuộc sống tiếp tục được tăng cường và tình cảm gắn bó dân tộc giữa hai bên tiếp tục không ngừng được củng cố" - đại tá Ngô Xuân Thường khẳng định.
Bình luận (0)