Ngày 1-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Minh Huyền, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, góp ý rằng không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm không được quy định tại điều 207 của dự thảo. Bà Huyền đề nghị bổ sung điều khoản việc thu hồi không gian sử dụng đất bao gồm độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không.
Đồng quan điểm, bà Châu Phụng Chi, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 1, cho hay điều 31 của dự thảo có nêu "sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan". Tuy nhiên, nội hàm "độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không" cần được làm rõ.
Đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 1 cũng băn khoăn vấn đề về người sử dụng đất đối với cá nhân là người nước ngoài. Theo quy định tại điều 5 dự thảo thì "cá nhân người nước ngoài" không được xem là người sử dụng đất, không được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định này còn có điểm chưa phù hợp với các văn bản pháp luật khác. Cụ thể là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Nhiều ý kiến sâu sát được đưa ra tại hội thảo
Theo bà Châu Phụng Chi, chiếu theo 2 luật trên thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thì không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Điều này tuy không mâu thuẫn về nhà và đất nhưng lại chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 19 của Luật Kinh doanh bất động sản là "việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất".
Liên quan tới giải quyết tranh chấp đất đai, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND phường 8, quận 10 - cho hay Luật Đất đai 1993 quy định giao cho UBND các cấp, đến Luật Đất đai 2013 thì mở rộng thêm cơ quan giải quyết là tòa án. "Bây giờ, theo dự thảo, thẩm quyền giải quyết hoàn toàn là tòa án. Tuy nhiên, tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp. Theo thống kê, 70% các vụ việc giải quyết về khiếu nại, tố cáo, tranh chấp là liên quan tới đất đai... Dồn hết qua tòa án liệu có được giải quyết nhanh chóng, kịp thời hay không" - ông Nguyễn Văn Thành băn khoăn. Từ đó, ông đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay để người dân lựa chọn con đường hành chính hoặc tố tụng. "Tòa án xử lý theo tuần tự nghiêm ngặt, người dân lại tốn tiền án phí, trong khi đó giải quyết tại cơ quan hành chính hết sức linh hoạt, kịp thời" - ông Nguyễn Văn Thành nêu ý kiến.
Ông Lê Mộng Triết (Trường Đại học Nông Lâm TP HCM) đề xuất dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hóa đối với trường hợp thu hồi một phần đất ở mà diện tích còn lại không đủ điều kiện để sử dụng, xin phép xây dựng, thậm chí là không đủ điều kiện tách thửa. Trên thực tế có nhiều trường hợp diện tích còn lại quá nhỏ và nhà nước không xử lý khiến ảnh hưởng quyền lợi người sử dụng đất. Do vậy, đã thu hồi thì nên thu hồi luôn phần diện tích còn lại quá nhỏ.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho hay ở các quận, huyện hiện nay cũng "đau đầu" vì phần đất quá nhỏ, thu hồi xong quản lý không nổi và cũng không biết sử dụng vào việc gì. "Nếu nhà nước không thu hồi mà để lại thì cũng khó cho người dân. Có trường hợp đất nhỏ không đủ điều kiện xây dựng nhưng thu hồi về quản lý như thế nào cũng là một vấn đề" - bà Văn Thị Bạch Tuyết nói.
Bình luận (0)