Dự thảo nghị quyết mới tập trung vào 7 nội dung, trong đó có nội dung rất quan trọng mà trước đó chưa được đề cập trong Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội là cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức với tên gọi "Cơ chế đặc thù về phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức".
Những điểm tích cực
Với nhiều đề xuất mang tính mới và sâu hướng đến giải quyết từng bất cập cụ thể, nội dung này hứa hẹn tác động trực tiếp đến việc tổ chức, điều hành TP Thủ Đức ở nhiều phương diện khác nhau.
Nhiều điểm tích cực có thể nhìn thấy. Thứ nhất, tận dụng tổng thể các cơ chế phân định thẩm quyền theo pháp luật hiện hành để xây dựng mô hình cho TP Thủ Đức, không chỉ về quản lý các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đô thị mà còn về bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách và cả ngân sách.
Thứ hai, về hướng tác động, tổng thể các nội dung này tác động ở nhiều hướng, vừa toàn diện lại vừa rất tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của chính quyền Thủ Đức. Ví dụ như nội dung cơ chế về phân cấp cho TP Thủ Đức ở các lĩnh vực; hay việc thành lập, sắp xếp lại các đơn vị như Văn phòng Đăng ký đất đai, Đội Trật tự đô thị, Trung tâm Phát triển quỹ đất bảo đảm giải quyết nhanh chóng, liên thông các dịch vụ công, phù hợp với yêu cầu diện tích và dân cư.
Cầu Thủ Thiêm 2 nối trung tâm TP HCM và TP Thủ Đức. Ảnh HOÀNG TRIỀU
Ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP Thủ Đức để hình thành cực tăng trưởng mới cũng là một hướng tác động quan trọng mang tính định hướng phát triển.
Nếu được thông qua, những nội dung trên sẽ tạo chuyển biến tích cực cho TP Thủ Đức nói chung và TP HCM nói riêng cả về phương diện pháp lý và thực tiễn quản lý. Về pháp lý, dự thảo ghi dấu ấn rõ nét về sự tiệm cận với pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố ở các nước phát triển. Giá trị không chỉ nằm ở bản thân nghị quyết sau khi thông qua mà còn là từ nghị quyết sẽ đặt ra vấn đề cho những đổi mới tiếp theo, mạnh mẽ, đầy đủ hơn để hoàn thiện từng bước chính quyền TP Thủ Đức và chính quyền đô thị TP HCM.
Về thực tiễn quản lý đô thị, các cơ chế, chính sách sẽ giải quyết được hàng loạt vướng mắc ở TP Thủ Đức mà thời gian qua đang là điểm nóng như đất đai, dịch vụ công, nhân sự, tài chính.
Cần xem xét thấu đáo hơn
Tuy nhiên, cũng xét trên phương diện pháp lý và thực tiễn, với tình hình của TP HCM hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai thì dự thảo đặt ra nhiều băn khoăn, trong đó có 5 vấn đề nên được đánh giá một cách thấu đáo.
Đầu tiên, cần làm rõ và cân nhắc cơ chế giao quyền được áp dụng khi "HĐND TP HCM quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP Thủ Đức"… Hiện, giao quyền không là nguyên tắc phân định thẩm quyền được đề cập trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có cần thiết sử dụng cơ chế đặc thù vượt luật chung trong trường hợp này không? Ngoài ra, giao quyền theo như dự thảo cũng chưa rõ ràng về trách nhiệm, sẽ rất khó triển khai.
Tiếp theo, việc dự thảo quy định dùng tiêu chuẩn của đơn vị cấp tỉnh loại 1 để sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của TP Thủ Đức và quyết định chế độ công tác, phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo tại TP Thủ Đức ở mức cao hơn đô thị loại 1 thuộc tỉnh (nhưng phải thấp hơn cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) là cơ chế vừa mạo hiểm vừa chưa bảo đảm tính khoa học. Mạo hiểm vì chính sách cho Thủ Đức sẽ bị đóng khung và có thể đối diện với nguy cơ không phù hợp trong những điều kiện nhất định. Chưa khoa học vì mô hình đô thị loại 1 chưa hẳn tối ưu thì việc mô phỏng cho một đô thị có vị trí là thành phố thuộc thành phố như Thủ Đức là có phần khiên cưỡng.
Điều thứ ba, với cơ chế đặc thù này thì TP Thủ Đức rõ ràng sẽ "nhẹ gánh" hơn trong thực hiện cơ chế quản lý của chính quyền cấp trên theo mô hình thứ bậc truyền thống hiện nay, nhưng Thủ Đức vẫn chưa chuyển sang thế chủ động hơn theo yêu cầu thực tiễn. Quyền quyết định các vấn đề lớn cho Thủ Đức vẫn không thuộc về Thủ Đức. Xét tổng thể chính quyền đô thị TP HCM và xét riêng vị trí, chức năng của Thủ Đức thì cơ chế như vậy chưa là giải pháp căn cơ và lâu dài.
Thứ tư, hiện TP HCM áp dụng Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về chính quyền đô thị, trong đó có những quy định đặc thù cho TP Thủ Đức. Với dự thảo này, cần lưu ý đến tính thống nhất, tương quan, tương hỗ của hai văn bản. Hơn nữa, xét về tính tổng thể và tính quyết định thì Nghị quyết 131 có khả năng tác động sâu, rộng hơn nghị quyết cơ chế đặc thù. Do đó, nên chăng gom lại thành một đề xuất chung mang tính đường dài và mang tầm chính sách cho chính quyền đô thị TP HCM, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ Đức để hạn chế tính nhỏ lẻ, tính thời điểm và đôi khi cục bộ của cơ chế đặc thù
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là sau nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì tiếp theo sẽ là gì? Đương nhiên, nghị quyết thay thế tiến bộ hơn, song sẽ là khó khăn cho TP HCM và Thủ Đức vì sẽ không tránh được tình trạng phải đề xuất hết cơ chế đặc thù này tiếp nối cơ chế đặc thù khác. Điều này vừa gây nguy cơ tạo ra một vòng luẩn quẩn và không loại trừ sự xung đột của các cơ chế đặc thù, vừa khó tạo ra bước nhảy về thể chế.
Tôi cho rằng trong tương lai cần phải suy nghĩ nghiêm túc những vấn đề này.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11
Bình luận (0)