Chiều 8-4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức họp với các bộ ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải để đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ôtô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP), trước khi trình Thủ tướng Chính phủ trước 15-4.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an đánh giá xe Grab là loại hình mới, ứng dụng công nghệ đã được nhiều người dân sử dụng, ủng hộ bởi những tiện ích. Đề nghị cần làm rõ bản chất của loại hình này, để xác định tên gọi đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ về điều kiện an toàn phương tiện, người lái xe, kê khai giá cước, nghĩa vụ thuế, tài chính với nhà nước.
Góp ý vào quy định mới đối với taxi và xe hợp đồng, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng với quy định trong dự thảo "trong 1 tháng, phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng" - là vi phạm điều 7, Luật Doanh nghiệp và điều 8, Luật Cạnh tranh. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng việc ứng dụng điện tử chỉ là phương thức kết nối. "Không thể dựa vào phương thức để đặt tên thêm một loại hình vận tải. Nếu đặt tên sai sẽ dẫn đến quản lý sai" - ông Hùng nói.
Taxi truyền thống hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Hoàng Triều
Đại diện Grab: "Chúng tôi là sàn giao dịch thương mại điện tử"
Ông Nguyễn Ngọc Trang, đại diện cho Grab Việt Nam, khẳng định Grab là một sàn giao dịch thương mại điện tử khi đã đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. "Tuy nhiên, nội dung tại khoản 2, điều 3 của dự thảo lần này đã khiến chúng tôi rất lo ngại khi nó bất hợp lý" - ông Trang nói. Cụ thể, khoản 2, điều 3 dự thảo quy định: "KDVT bằng ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước) để vận chuyển hành khách. Ngoài ra, quy định về hợp đồng điện tử tại điều 16 là thừa, quá nặng nề và không hợp lý". Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, khẳng định với 5 loại hình vận tải đã có trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành là đủ và không cần quy định thêm loại hình vận tải nào nữa.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý và đề nghị các bên liên quan ủng hộ để Bộ GTVT trình Nghị định lên Thủ tướng Chính phủ vào ngày 14-4.
Bình luận (0)