Từ ngày 1-1, Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab Việt Nam) tăng mức chiết khấu lên 23,6% đối với dịch vụ GrabBike và GrabExpress tại TP HCM. Trước đó, tháng 9-2017, đơn vị này đã tăng mức chiết khấu từ 15% lên 20%. Nhiều tài xế sử dụng dịch vụ của Grab Việt Nam rất bức xúc với mức tăng này nên đã tắt ứng dụng và tập trung tới văn phòng của đơn vị hôm 10-1 để phản đối. Thậm chí, một số tài xế còn đặt các chuyến đi ảo rồi sau đó hủy.
Tài xế GrabBike hoạt động tại TP HCM Ảnh: GIA MINH
Tài xế Nguyễn Xuân Hoanh, chạy GrabBike hơn một năm, cho rằng việc Grab liên tục tăng chiết khấu như vậy là bất hợp lý và chèn ép tài xế. "Như vậy là quá cao, trong khi doanh thu của tài xế ngày càng giảm bởi phải cạnh tranh rất gay gắt. Không chỉ số lượng tài xế chạy Grab tăng, đồng nghĩa số cuốc xe giảm do bị giãn bớt, mà nhiều dịch vụ xe ôm công nghệ khác cũng đang hoạt động như Uber, Mai Linh Bike..." - anh Hoanh lo ngại.
Đồng tình, tài xế Nguyễn Văn Tân chia sẻ anh chạy GrabBike một ngày được khoảng 300.000 đồng. Nếu tính cả chi phí xăng, điện thoại, sửa xe... và mức chiết khấu Grab áp dụng thì anh không còn được bao nhiêu. "Trong khi đó, các dịch vụ hỗ trợ, ưu đãi đối với tài xế hiện rất hạn chế" - anh Tân than thở.
Phản hồi vụ việc, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress - Grab Việt Nam, cho biết từ ngày 1-1, đơn vị thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress. Cụ thể, mức khấu trừ là 4,5% nghĩa vụ thuế (gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu tài xế nhận được - tương đương 3,6%.
Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab Việt Nam dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, đơn vị sẽ khấu trừ 1%. Còn đối với các khoản phí hỗ trợ khác không mang tính chất doanh thu, Grab Việt Nam khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% trong bảng kê thanh toán.
Ông Thành lý giải năm 2016 và 2017, Grab Việt Nam nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác tài xế 2 bánh nhưng bắt đầu từ đầu năm 2018 phải thực hiện theo quy định mới như trên. Đơn vị này cũng cho biết việc kê khai, thu hộ, nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng cho tài xế GrabBike và GrabExpress có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (tức khoảng 8,3 triệu đồng/tháng).
"Đây không phải là chính sách từ Grab Việt Nam nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác. Việc này thực hiện theo quy định của Tổng cục Thuế về chính sách thuế thu nhập cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress, cũng như theo công văn hướng dẫn nộp thuế thu nhập cá nhân của Cục Thuế TP HCM ban hành" - ông Thành lý giải.
Một số tài xế GrabBike cho rằng với giải thích như trên thì đồng nghĩa với việc thu nhập của người chạy GrabBike và GrabExpress tính cả năm phải trên 100 triệu đồng mới phải đóng thuế. Như vậy, việc thu hộ (mức tăng chiết khấu) cũng phải tính tổng trong năm, không thể thông tin mang tính chất chung chung. "Grab phải công khai, minh bạch và có bằng chứng rõ ràng về thu nhập, các khoản thu của tài xế chứ không thể mập mờ như vậy" - một tài xế tên Thịnh đề nghị.
Theo một số chuyên gia pháp lý, về mặt nguyên tắc thì Grab Việt Nam có quyền thu hộ thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân đối với các tài xế. Cụ thể, việc thu thuế giữa Grab Việt Nam và đối tác tài xế có thể nhìn nhận như thu nhập từ kinh doanh của cá nhân, điều này có thể phát sinh một số nghĩa vụ thuế. Còn việc đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ để trả thuế là đúng, vì nếu để các cá nhân tự nộp thì sẽ có nhiều người không thực hiện. Do đó, các cơ quan thuế chỉ nắm đơn vị chi trả thu nhập bởi họ có các hóa đơn, chứng từ rõ ràng để xác định mức thuế phải nộp là bao nhiêu.
Hà Nội cấm Uber, Grab ở 13 tuyến phố
Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chiều 11-1 đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ về việc cấm những xe này ở 13 tuyến đường, gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cũng đã hoàn thành cắm biển cấm "xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi" hoạt động toàn thời gian hoặc trong các khung giờ từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút hằng ngày ở 13 tuyến đường trên. Đây cũng là những tuyến phố trước đó đã có biển cấm taxi để hạn chế ùn tắc.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội Vũ Văn Viện, việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi như trên là nhằm bảo đảm công bằng giữa các loại hình vận tải, sẽ được thí điểm trong 1 tháng, từ ngày 11-1 đến 11-2. Trong 10 ngày đầu, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở; sau đó mới chính thức phạt.
Trước thắc mắc làm thế nào để phân biệt xe cá nhân, xe hợp đồng, đặc biệt là những taxi công nghệ như Grab, Uber vi phạm đi vào đường cấm, ông Viện thừa nhận khá khó khăn nhưng không phải không làm được. Ông Viện cho biết theo quy định, các xe hợp đồng, trong đó có Grab, Uber, đều phải dán logo. CSGT và thanh tra giao thông sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi. "Đúng là nhiều khi họ dán logo rất nhỏ để đối phó, khó phân biệt được. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi sẽ kết hợp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ theo xác suất chứ không thể triệt để được" - ông Viện băn khoăn.
Ông Viện cho biết các tuyến phố có biển cấm sẽ không cố định. Tuyến nào giảm ùn tắc sẽ được dỡ bỏ biển cấm. Ngược lại, tuyến nào ùn tắc nghiêm trọng sẽ được bổ sung biển cấm. V. DUẨN
Bình luận (0)