Cái nghèo đeo bám gia đình này không phải vì xuất phát từ lười biếng, cờ bạc, rượu chè... như nhiều trường hợp khác mà là do xuất phát điểm đã nghèo, rồi sau đó người chồng là ông Mai Văn Thi mắc bệnh khô phổi, hở van tim... Một mình bà Chi cáng đáng gia đình, chăm chồng, nuôi con. Khi phải bán đi 5.000 m2 đất cha mẹ chia cho để có tiền lo thuốc thang cho chồng, gia đình bà rơi ngay vào cảnh kiệt quệ.
Hàng chục năm qua, trên chiếc xe đạp cũ được hàng xóm cho, ngày nào bà Chi (nay đã 62 tuổi) cũng rong ruổi hàng chục km để bán cá, mắm, rau đồng... Khi không có hàng gì để bán thì ai thuê gì làm đó, từ rửa chén cho các quán ăn, tiệc cưới, làm cỏ...
Điều đáng quý là, bây giờ, sau 11 năm trong diện hộ nghèo, và nay đương nhiên vẫn nghèo, nhưng vợ chồng bà vẫn quyết định nộp lên ngành chức năng địa phương để xin ra khỏi hộ nghèo.
Lập luận của vợ chồng bà Chi rất đơn giản, rằng biết ra khỏi diện hộ nghèo thì gia đình sẽ mất đi một số quyền lợi nhưng vì nhiều trường hợp còn khó hơn và đang cần giúp đỡ nên phải nhường suất hỗ trợ chính sách cho họ. Vả lại, nay con cái đã tự lập được, bệnh tình của chồng bà cũng đỡ dần, nhà nước cũng đã hỗ trợ một ít tiền để gia đình làm được căn nhà...
Cuối năm ngoái, dư luận cũng xôn xao với việc cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi; ngụ xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) dù hằng ngày vẫn đạp xe đi bán rau nhưng khi thấy bản thân có đủ điều kiện để không còn nghèo nên đã chủ động đạp xe tới UBND xã 2 lần để xin được thoát nghèo.
Ở xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị mới đây cũng có chuyện hàng loạt hộ nghèo đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Báo chí đã gặp những hộ này và ghi nhận là họ vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ý thức còn sức lao động vẫn đủ khả năng vươn lên thoát nghèo.
Những người như bà Nguyễn Thị Chi, cụ Đỗ Thị Mơ hay chủ các hộ dân chủ động xin thoát nghèo ở xã Hướng Lập đúng là nghèo nhưng là những tấm gương sáng của lòng tự trọng. Hành động của họ chứng minh một nhận thức rất rõ ràng, rất đáng trân trọng về sự nỗ lực vươn lên, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.
Rồi từ hành động của họ, để thấy thật đáng khinh bỉ, đáng lên án những kẻ dù không nghèo nhưng vẫn tìm cách lọt vào danh sách hộ nghèo chỉ để trục lợi, nói thẳng ra là để "ăn chặn" của người nghèo, không chút xấu hổ. Mà chuyện này thì xảy ra nhiều nơi ở nước ta, đang như là một thứ "dịch bệnh".
Khó để nhà nước nào có đủ khả năng giúp người dân thoát khỏi nghèo đói nếu dân chúng dù có khả năng lao động vẫn chỉ ngồi chờ bao cấp. Người dân, kể cả khi được hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, cũng chỉ hy vọng chấm dứt nghèo đói, bĩ cực, vươn lên diện khá, giàu, khi biết nỗ lực lao động.
Bình luận (0)