Hôm nay (1-7), TP Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội (QH).
Nhiều điểm mới
Đây là bước tiến quan trọng để TP Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thể hiện trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội sẽ có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...
Theo đó, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, các công chức khác: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.
Việc tiếp dân tại một UBND cấp phường ở TP Hà Nội
UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của phường theo quy chế làm việc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.
Đặc biệt, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. 12 quận và thị xã Sơn Tây cũng không tổ chức HĐND phường.
Tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỉ lệ điều tiết của ngân sách các quận, thị xã và phường phù hợp với các quy định của pháp luật; không làm thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách của 12 quận, thị xã Sơn Tây và TP.
Theo bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, với các phần việc đã được triển khai, Hà Nội đã bảo đảm đủ các điều kiện để vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7.
Từng bước giải quyết bất cập
Lãnh đạo một số phường tại Hà Nội cũng bày tỏ những băn khoăn trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị như: Ai sẽ giám sát hoạt động của UBND phường và việc thực hành quyền dân chủ, giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hình thức nào, hiệu quả ra sao?
Ngoài ra, chưa có nội dung nào quy định cụ thể vấn đề cơ chế, chính sách đối với cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường... Nhiều đơn vị cũng mong muốn sớm có hướng dẫn kịp thời để triển khai các nhiệm vụ của mô hình chính quyền đô thị, bởi trước đây việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn tới đây là theo nghị định mới nhưng hiện vẫn chưa có đầy đủ hướng dẫn chi tiết.
Một trong những băn khoăn lớn nhất của các địa phương là vấn đề con người. Một phường bình thường chỉ có khoảng 15 cán bộ công chức, bao gồm cả lãnh đạo nhưng trên thực tế, số lượng công việc hằng ngày là rất lớn. Nhiều phường lâu nay còn thiếu cán bộ công chức, nên sau khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị đều rất mong được cấp trên tổ chức thi tuyển sớm hoặc phân bổ, bố trí đủ cán bộ để làm việc hiệu quả...
Giải đáp các băn khoăn, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP Hà Nội đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.
Khi không tổ chức HĐND phường thì quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, được tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Cụ thể, tổ chức Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao UBND phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận...
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của TP là rà soát, xử lý các vướng mắc trong việc chuyển công chức phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tiếp tục tăng cường kiểm tra công vụ theo hình thức đột xuất tại các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt tại bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính "một cửa", kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân, tổ chức khi đến giải quyết các thủ tục hành chính.
Mới là bước khởi đầu
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết ngày 16-11-2020, QH thông qua Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131. Bà Thắm nhìn nhận tuy thời gian triển khai chưa lâu và đây mới là bước khởi đầu cho cả quá trình hướng đến sự phát triển bền vững, TP vẫn luôn duy trì trạng thái chủ động, vừa tích cực đưa nghị quyết, nghị định vào cuộc sống, thường xuyên tổng kết thực tiễn vừa không ngừng nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó phần nào đóng góp thêm kinh nghiệm thực tiễn cho tiến trình đổi mới nền hành chính nhà nước, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ - công chức.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và diễn ra cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị TP HCM. Nhiệm kỳ 2021-2026, TP HCM không tổ chức HĐND tại quận và phường. Chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan này sẽ được điều chuyển hợp lý cho HĐND, UBND TP HCM, UBND quận, UBND phường.
Giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, Sở Nội vụ sẽ tập trung tham mưu cho UBND TP đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 131 và Nghị định số 33. Đồng thời, thường xuyên tổng kết thực tiễn, đánh giá hiệu quả thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, đề xuất cơ quan trung ương hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các nội dung còn vướng mắc (nếu có). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường theo thẩm quyền từ ngày 1-7. TP HCM cũng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức và quy định về phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện thành công chủ đề năm 2021 - "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư".
Phan Anh
Bình luận (0)