Đây là việc hết sức cần thiết, để "trị" căn bệnh hội họp đã thành kinh niên trong các cơ quan công quyền cả nước. Năm trước, vào tháng 8, trong văn bản triển khai nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện tại TP phải giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế nắm bắt thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Các lãnh đạo Thành ủy TP HCM từng nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, tăng cường đi thực tế, giảm hội họp.
Cụm từ 4 H, "hãi hùng hội họp", quả không sai khi một vị bộ trưởng cho biết mỗi tuần ông phải dự 30 - 40 cuộc họp, có lãnh đạo tỉnh được mời dự đến 700 cuộc họp mỗi năm. Tại TP HCM, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, sở tiếp nhận 2.114 thư mời họp từ các cơ quan, đơn vị. Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM và phòng ban, cán bộ chủ chốt của sở này phải dự hơn 1.500 cuộc họp…
Họp nhiều như thế thì lấy đâu thời gian làm những việc quan trọng khác, nhất là những việc cần kíp cho dân? Ngay cả người đi họp cũng chẳng sung sướng gì, mệt mỏi vì ngồi suốt buổi, suốt ngày đến "gãy lưng, buồn ngủ". Hiệu quả từ họp nhiều cũng không cao, nhiều cuộc họp người nói cứ nói, người nghe tai này lọt tai khác. Theo chuyên gia cao cấp Diệp Văn Sơn, tình trạng "bội thực" họp chứng tỏ thẩm quyền của lãnh đạo cũng như trách nhiệm của từng cán bộ, công chức đều không rõ nên phải họp để lấy ý kiến... tập thể làm ý kiến quyết định. Khi có một quy chế hoạt động rõ với thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân thì chắc chắn không cần quá nhiều cuộc họp như vậy.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu giảm họp hành. Thủ tướng chỉ đạo cần bám sát thực tiễn cuộc sống, bởi "nếu chỉ ngồi bàn giấy mà không có thực tiễn thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn". Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, giảm bớt các cuộc họp không cần thiết vì đã phân cấp, phân quyền sẽ tăng được hiệu quả quản lý, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng nếu bắt buộc phải họp thì họp ngắn, giải quyết những trọng tâm đặt ra, không dài dòng gây mất thời gian.
Từ quan điểm đó, các cấp ngành, địa phương nên mạnh dạn làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm để bớt những cuộc họp không cần thiết; dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn, gần dân hơn, ban hành những chủ trương sát hợp đời sống, hiệu quả cao. Hơn nữa, thời đại công nghệ thông tin phát triển sẽ có thêm phương tiện để chuyển tải thông tin, hãy tận dụng để bớt họp hành nặng nề. Chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn rằng giá trị vật chất quy đổi từ nhân lực, vật lực, thời gian trong các cuộc họp là rất lớn. Bớt họp là tiết kiệm đáng kể, là giảm tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.
Bình luận (0)