Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu trong số 22 dự án thì các dự án thuộc lĩnh vực giao thông được phát hiện nhiều thiếu sót như không xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; lập, thẩm tra, trình duyệt dự án "siêu tốc"; tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng khi chưa có bản vẽ thi công và dự toán. Điển hình là dự án Cải tạo nâng cấp đường 356, dự án cầu Khuể, cầu Đăng, cầu Hàn… tăng vốn từ vài trăm tỉ đồng đến hơn 2.000 tỉ đồng.
Làm thêm phải tăng vốn
Ngày 17-7, một lãnh đạo của TP Hải Phòng cho biết ngay sau khi nhận được kết luận thanh tra, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị có tên trong kết luận có báo cáo giải trình. UBND TP Hải Phòng tập hợp báo cáo của các đơn vị để có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý (BQL) dự án cầu Hải Phòng - chủ đầu tư 3 dự án xây dựng cầu Khuể, cầu Đăng, cầu Hàn - cho hay khi làm việc với thanh tra về 3 dự án này, nhiều vấn đề chủ đầu tư đã giải trình cặn kẽ nhưng TTCP không chấp nhận mà vẫn đưa vào kết luận.
Đối với dự án cầu Khuể, BQL các dự án cầu Hải Phòng giải trình: năm 2007 UBND TP Hải Phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể với quy mô gồm cầu Khuể và đường dốc 2 đầu cầu. Cử tri 2 huyện An Lão và Tiên Lãng có kiến nghị cải tạo nâng cấp tuyến đường 354 để đồng bộ với cầu. UBND TP Hải Phòng đã quyết định phê duyệt bổ sung công trình cải tạo, nâng cấp 6,5 km đường dẫn theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Hạng mục nâng cấp đường này khiến dự án điều chỉnh tăng từ 236,46 tỉ đồng lên 479 tỉ đồng. Như vậy, thực chất của việc "đội vốn" này là làm thêm hạng mục cải tạo, nâng cấp 6,5 km đường dẫn.
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng cầu Khuể, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), nhưng UBND TP Hải Phòng có văn bản đồng ý cho thực hiện dự án với hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhưng không báo cáo, xin chủ trương của Thủ tướng về việc thay đổi hình thức đầu tư, UBND TP Hải Phòng giải trình: "Ngày 23-9-2002, thành phố có Văn bản số 4441/CV-UB báo cáo Thủ tướng cho phép được thực hiện theo hình thức BT. Theo đó, nguồn trả một phần bằng nguồn ngân sách cân đối hằng năm của TP, một phần bằng quỹ đất, một phần bằng nguồn thu phí, một phần xin ngân sách trung ương hỗ trợ. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng có Văn bản số 98/CP-CN-ngày 23-1-2003 đồng ý về nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT và sử dụng quỹ đất để tạo một phần vốn đầu tư. Thủ tướng cũng chỉ đạo TP quyết định đầu tư theo thẩm quyền, quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định đơn vị thực hiện đầu tư BT (không phải qua thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH-ĐT)".
UBND TP Hải Phòng cho rằng Bộ KH-ĐT cũng đã có văn bản nêu rõ dự án cầu Khuể ở nhóm B, thuộc quyền quyết định của chủ tịch UBND TP theo Nghị định 52/CP và Nghị định 12/CP của Chính phủ. Năm 2005, UBND TP quyết định đầu tư dự án này thuộc nhóm B, sử dụng vốn ngân sách TP là đúng thẩm quyền theo các quy định hiện hành, đúng chỉ đạo của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Do đó, Hải Phòng không cần phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ kết luận dự án cầu Hàn (TP Hải Phòng) bị đội vốn nhiều tỉ đồng
Không có bất thường!
Đối với 2 dự án là cầu Hàn và cầu Đăng, kết luận của TTCP nêu: "Dự án cầu Hàn và cầu Đăng thực hiện theo yêu cầu cấp bách, lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư tính từ ngày 24-4 đến ngày 28-4-2017 phê duyệt dự án đầu tư, có 4 ngày hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án là không bảo đảm thời gian và yêu cầu chất lượng của việc lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt".
Tuy nhiên, lãnh đạo BQL các dự án cầu Hải Phòng cho rằng việc nghiên cứu và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đã được bắt đầu từ năm 2016. Liên quan đến việc TTCP cho rằng 2 dự án đầu tư xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng bị "đội vốn" lên nhiều tỉ đồng và đề nghị giảm trừ khi phê duyệt tổng dự toán là 7,6 tỉ đồng đối với dự án cầu Hàn; 8,3 tỉ đồng đối với dự án cầu Đăng, BQL các dự án cầu Hải Phòng khẳng định đây là dự toán cho các hạng mục yếu tố trượt giá, chi phí phụ cấp lương công nhân làm ca đêm... Dù vậy, TP Hải Phòng tôn trọng kết luận của Thanh tra Chính phủ nên đã phê duyệt dự toán xây dựng công trình cầu Hàn và cầu Đăng (tháng 12-2017) không bao gồm những khoản chi phí nêu trên. Như vậy, với các hạng mục này không hề có thất thoát nào.
"Có nhiều vấn đề đã giải trình rồi, TTCP có nghe hay không là quyền của họ, nhưng TP vẫn còn cơ hội là sau khi TTCP có kết luận, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng có ý kiến. Và khi TP Hải Phòng có ý kiến thì Thủ tướng Chính phủ sẽ phải xem lại, tại sao mà TP Hải Phòng lại kiến nghị"? đại diện BQL các dự án cầu Hải Phòng nói.
Giải trình đến tận cùng
Đại diện BQL các dự án cầu Hải Phòng chia sẻ quyền của thanh tra là ra kết luận nhưng bên bị thanh tra được quyền giải trình, thậm chí có những nội dung sẽ giải trình đến tận cùng. Có những vấn đề thực tế đã diễn ra, có những việc làm không có gì sai mà chỉ là quan điểm của 2 bên khác nhau. Vì vậy sẽ giải trình đến khi Chính phủ không thừa nhận thì thôi.
Bình luận (0)