Dưới cái nắng 37 độ C giữa buổi trưa tháng 4, Quốc lộ 51, đoạn dài khoảng 2 km, từ ngã ba Vũng Tàu hướng về Cổng 11 (thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bụi mù mịt, dọc hai bên đường và những con hẻm lân cận là hàng ngàn căn nhà mái tôn cũ kỹ nhưng không được xây mới, khiến cả một khu vực rộng lớn trở nên ngột ngạt, bức bí...
Khổ trăm bề
Con đường dẫn vào ngôi nhà mái tôn xập xệ của gia đình bà Nguyễn Thị Triển (64 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) gồ ghề, lởm chởm đầy sỏi đá, ổ gà. Bà Triển nói năm 2004, nghe tin dự án khu dân cư tại khu phố 2 và khu phố 3 với diện tích 49 ha được UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu cho Công ty CP Miền Đông thực hiện, ai cũng vui mừng và kỳ vọng. "Chúng tôi sẵn sàng giao đất với hy vọng sẽ sớm được tới nơi tái định cư khang trang, đường sá thuận lợi, những tòa nhà cao tầng mọc lên, cùng các tiện ích như siêu thị, trung tâm thương mại sẽ làm thay đổi nơi cửa ngõ TP Biên Hòa" - bà Triển nói trong sự tiếc nuối.
Nhà cấp bốn xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân không thể xây dựng, sửa chữa vì dính dự án treo của Công ty CP Miền Đông
Vậy mà sau gần 20 năm, khu nhà bà Triển và dọc tuyến Quốc lộ 51 không thay đổi so với nhiều năm trước. Những căn nhà tôn cũ kỹ, ố màu san sát nhau bao nhiêu năm nay chịu cảnh mưa thì ngập, nắng thì bụi bay mù mịt. Lâu lâu, bà thấy đoàn cán bộ mang sổ sách, thước đến đo địa giới, diện tích từng căn nhà, cặm cụi ghi chép. Mỗi khi vợ chồng bà Triển hỏi lúc nào dự án triển khai, đền bù tái định cư ra sao, họ chỉ đáp: "Ghi chép thôi, chứ chắc treo còn lâu đó".
Chỉ tay vào ngôi nhà đã xây 22 năm đang xuống cấp nghiêm trọng, bà Triển than: "Khổ lắm, kiến nghị mãi cũng chẳng được gì". Đất nhà bà Triển có nguồn gốc rõ ràng nhưng chỉ vì vướng dự án treo mà không được cấp sổ hồng. Bà Triển chỉ mong khu này được gỡ quy hoạch treo để người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa, yên ổn sinh sống, làm ăn.
Cách nhà bà Triển khoảng 300 m, ông Tạ Hồng Quân (50 tuổi) bức xúc nói căn nhà của ông được xây vào khoảng năm 2003 nên khi hay tin dính quy hoạch, gia đình ông vẫn vui vẻ chờ giao đất, giao nhà. Vậy mà đến nay, mái tôn đã thủng, gỉ sét mà dự án vẫn chưa thấy đâu. "Chúng tôi cứ sống mòn tại mảnh đất của mình. Vì vướng dự án treo mà không được cấp sổ hồng, không được xây dựng mới hay sửa chữa, không thể chia tách cho con khi đến tuổi trưởng thành muốn làm nhà sống riêng. Khổ trăm bề" - ông Quân buồn bã nói.
Bà Triển, ông Quân là hai trong số gần 4.000 hộ dân nằm trong 3 dự án treo ở phường Long Bình Tân, gồm dự án khu dân cư tại khu phố 2, 3; dự án khu dân cư khu phố 1 do Công ty Đầu tư Đô thị kinh doanh nhà làm chủ đầu tư (nay sáp nhập vào Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai) và dự án phát triển hạ tầng và cây xanh tại khu phố 3.
Tương tự, dự án khu nhà ở công nhân, chuyên gia có diện tích 9 ha nằm ngay trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch (thuộc xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) do Công ty TNHH Vạn Phúc làm chủ đầu tư được giao đất năm 2004 đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện hạ tầng. Sau gần 20 năm, hiện nay nhà ở công nhân, biệt thự chuyên gia không thấy đâu, chỉ là những lô nền nham nhở cùng với một số đường bê- tông dọc ngang khu đất, cỏ mọc um tùm. Nhiều cư dân bị ảnh hưởng cuộc sống bởi dự án này như gia đình ông Đặng Văn Minh (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) đã giao hơn 4.000 m2 đất gồm cả sổ đỏ cho chủ đầu tư từ năm 2008 để đổi lấy 4 nền. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, ông Minh không hề nhận được nền đất thổ cư hay miếng giấy chủ quyền nào.
Ông Minh chỉ là một trong nhiều hộ đã giao đất sản xuất cho Công ty TNHH Vạn Phúc rồi tất cả... mất dạng, các hộ dân lâm vào cảnh khốn khổ vì không có đất sản xuất, lại không có nền đất để xây nhà như công ty đã hứa. Ngoài những gia đình có đất trong dự án gặp cảnh khốn khó vì dự án "treo" gần 20 năm thì nhiều hộ đăng ký mua đất trong dự án cũng điêu đứng vì đã giao 80%-90% giá trị nền đất cách đây nhiều năm nhưng hiện vẫn chưa được bàn giao nền.
Lẽ nào bất lực ?
Cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua danh mục thu hồi hơn 330 dự án trên các lĩnh vực vì quá thời hạn chưa tiến hành thu hồi đất để thực hiện. Đến tháng 4-2022, HĐND tỉnh quyết định bổ sung danh mục 95 dự án thu hồi đất với tổng diện tích là 649 ha. Tuy nhiên, các đại dự án "treo" vẫn kéo dài gần 20-30 năm chưa xong khiến nhiều người dân bức xúc.
Ông Đoàn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, thừa nhận nhiều năm nay, người dân liên tục phản ánh những khó khăn, đề nghị UBND phường và UBND TP Biên Hòa sớm xóa bỏ các dự án đã kéo dài nhiều năm. "UBND phường đã có văn bản đề nghị TP Biên Hòa và được trả lời đợi điều chỉnh quy hoạch xây dựng" - Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân nói. Ông bày tỏ rằng UBND phường cũng mong muốn sớm xóa bỏ các dự án kéo dài nhiều năm để quyền lợi của người dân được bảo đảm. Trong khi đó, UBND TP Biên Hòa cho hay đang tiếp tục rà soát các khu vực quy hoạch đất dự án không còn phù hợp để UBND TP báo cáo UBND tỉnh xử lý, trong đó có dự án của Công ty CP Miền Đông kéo dài nhiều năm.
Liên quan dự án khu nhà ở công nhân, chuyên gia ở huyện Nhơn Trạch, mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Võ Tấn Đức sau khi nghe Cục Thuế tỉnh báo cáo vướng mắc trong việc định giá và thu tiền sử dụng đất của Công ty TNHH Vạn Phúc (nay là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phúc Long Khang do ông Huỳnh Văn Thích làm giám đốc điều hành). Sau khi nghe báo cáo và ý kiến từ đại diện các sở ngành, ông Võ Tấn Đức giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Cục Thuế tỉnh và UBND huyện Nhơn Trạch rà soát hồ sơ pháp lý toàn bộ dự án này của công ty trên. Sau đó sẽ báo cáo tham mưu và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, mỗi năm Đồng Nai đều đưa vào kế hoạch sử dụng đất khoảng 1.500 dự án trên các lĩnh vực, trong đó có đến hơn 80% dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua và số dự án hoàn thành chiếm tỉ lệ rất thấp. Qua rà soát, hiện trên địa bàn Đồng Nai có đến 100 dự án chậm triển khai, song việc thu hồi dự án rất khó khăn. Hiện tỉnh đang cho sàng lọc, sẽ thu hồi dự án đối với những nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.
Bình luận (0)