Đầu tháng 8, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III kiểm tra 1 container chứa hàng ngàn phụ kiện điện thoại di động trị giá cả tỉ đồng, nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phổ biến nhất là quần áo, giày dép
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, lô hàng trên được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (tỉnh Lạng Sơn) nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội. Khi làm thủ tục, công ty xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc) nên được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Giấy chứng nhận ghi vậy nhưng thông tin trên bao bì sản phẩm thì tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành là của Công ty CP Thương mại "TITAN" Việt Nam - một DN trong nước. Trên nhiều sản phẩm còn ghi "made in Vietnam" và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893). Vì sản phẩm thể hiện xuất xứ Việt Nam nên trường hợp DN bán hết lô hàng này thì sẽ được hoàn thuế GTGT 10%.
Lực lượng chức năng của Hải Phòng kiểm tra một lô hàng nhập khẩu
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác "made in Vietnam", đang gây ảnh hưởng đến uy tín DN Việt Nam. Những mặt hàng dễ tráo nhãn Trung Quốc thành "made in Vietnam" nhất là quần áo, giày dép, mắt kính...
Trước đó, ngày 6-7, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I cũng kiểm tra một container hàng của Công ty TNHH Lạc Lạc (Hà Nội). Theo khai báo, hàng là giày thể thao chất liệu đế cao su, thân giả da, nhãn hiệu Topper, xuất xứ Trung Quốc, số lượng 6.576 đôi. Tuy nhiên, trên các đôi giày đều gắn chữ TOPPER, bên trong giày có tem trắng ghi dòng chữ "made in Vietnam". Trên hàng hóa và bao bì thể hiện mã số, mã vạch do nước ngoài sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thái Hưng, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, nếu hải quan không phát hiện, chỉ riêng lô hàng này DN đã chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền thuế của nhà nước. Ông Hưng cho biết thêm vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng còn phát hiện nhập nhèm ở lô hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Meiying (trụ sở tại Hải Phòng). Hàng là giày thời trang nam thấp cổ, chất liệu giả da, đế và mũi giày làm bằng cao su, hiệu Yung Fu; số lượng 660 đôi, xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên hàng không thể hiện nhãn hiệu. Bên trong giày có ghi "made in China" nhưng tem nhãn gốc thể hiện xuất xứ "made in Vietnam", in phía trong giày.
Lợi dụng ưu thế để gian lận
Theo phân tích của Cục Hải quan Hải Phòng, nguyên nhân hàng hóa giả mạo xuất xứ tại Việt Nam là do tâm lý người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam. Nắm bắt tâm lý này, một số đối tượng đã đặt hàng sản xuất tại một số nước (thường là Trung Quốc) có giá rẻ, hàng kém chất lượng, nhập về và gắn mác xuất xứ tại Việt Nam. Thậm chí, hàng giả mạo xuất xứ cũng được làm rất tinh vi, không khác hàng Việt Nam, người tiêu dùng không thể phân biệt được thật - giả.
Nguyên nhân thứ hai là Việt Nam khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thì tạo điều kiện cho DN xuất khẩu tiếp cận thị trường thế giới. Hàng có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu những nước đã ký hiệp định với Việt Nam. Đặc biệt là gần đây chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây khó khăn cho hàng xuất xứ Trung Quốc vào thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác trên thế giới. Do đó, có hiện tượng DN lợi dụng các ưu thế này để gian lận, sử dụng "made in Vietnam" mà không phải hàng Việt Nam để xuất sang nước thứ ba.
Không bao che, tiếp tay
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba...
Trong kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, lực lượng chức năng nâng cao trách nhiệm thực hiện công khai; nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ và xuất khẩu.
Bình luận (0)