GS-TS Phạm Như Hiệp là Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Trong ngày trên, ông nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và quả tim được hiến tặng là của một người chết não ở Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội). Một chuyến bay Hà Nội - Huế bình thường như mọi ngày, chỉ khác là có thêm một vị bác sĩ tận tâm và một quả tim đầy yêu thương đang tìm cuộc sống mới, hay đúng hơn là đang trao cuộc sống mới.
Cách đây không lâu, cô bé 7 tuổi bị bệnh nan y ở Hà Nội đã làm bao người cảm động khi muốn hiến giác mạc của mình cho các bạn khác kém may mắn. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt - Bệnh viện Mắt, kể lại: "Cô bé như một thiên thần đang ngủ. Chúng tôi bắt đầu công việc lấy giác mạc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ nhẹ nhàng của cháu. Mẹ cháu hôn lên trán và nói "mẹ tự hào về con".
Thỉnh thoảng đọc được bản tin: "Một người hiến tạng cứu 5 người khác", "Thanh niên hiến gan, thận cho người bệnh nan y", "Tặng giác mạc cho bệnh nhi khiếm thị"... nhưng chúng ta vô tình để trôi qua như bao bản tin khác đang ngồn ngộn trong cuộc sống. Có khi một chiếc váy của cô nàng nào đó trong giới showbiz giữ ánh mắt chúng ta lâu hơn là hành trình của những con người vượt qua nhiều định kiến, hy sinh để hiến một phần thân thể mình cho người khác.
Thật biết ơn khi hiến một phần thân thể để cứu người khác là hành động cao đẹp và dần lan tỏa trong xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 7.400 người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Đây cũng là niềm hy vọng của hàng vạn người chẳng may lâm vào nghịch cảnh. Cuộc sống vốn ồn ào nhưng bên trong luôn âm thầm dòng chảy của tình yêu đáp đền. Từng quả tim, từng quả thận, từng giác mạc... là từng phần yêu thương máu thịt của bao con người được trao đi không cần biết người nhận là ai, họ đã từng sống như thế nào. Tình thương vô điều kiện cho cuộc sống quý giá hồi sinh khi mà người trao đã không còn có thể.
Trên bước đường đời, những quả tim kia, những ánh mắt kia có vô tình gặp lại những người thân của người đã hiến tặng, liệu có rung thêm hơn một nhịp, lăn dài thêm một ngấn nước? Nếu có, nó sẽ là món quà bé nhỏ nhưng ấm áp trong món quà vô giá mà chủ nhân sau này đã được nhận. Chúng ta tin rằng gia đình của những người hiến tặng sẽ luôn lắng nghe trong muôn người một phần sự sống của người đã mất.
Có câu chuyện kể về một người mẹ Hungary luôn muốn nhìn vào mắt những người mà bà gặp. Nhiều người khó hiểu, thậm chí không vừa lòng. Khi được hỏi lý do, bà cho biết chỉ muốn nhớ lại cậu con trai của mình đã mất trong một tai nạn giao thông. Cậu bé đã hiến giác mạc cho người khác.
Một ngày nào đó, nếu có người muốn tìm sự quen thuộc từ bản thân bạn, tìm cái nhìn gần gũi từ ánh mắt bạn thì đừng vội khó chịu. Hãy thấy ấm lòng rằng biết đâu họ đang tìm một chút bóng dáng của người thân.
Bình luận (0)