xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãy để họ tận hiến với nghề

HIẾU NGHI

Năm nay, tại nhiều địa phương, thầy cô giáo đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 rất đặc biệt: gặp gỡ học trò qua… internet. Covid-19 ngăn cách thầy trò về không gian nhưng tình cảm chân thành, lòng biết ơn với người dạy dỗ thì khó có gì ngăn cách được!

Trong thời điểm này, Báo Người Lao Động một lần nữa tri ân thầy cô giáo qua loạt bài phóng sự về sự tận tụy của các giáo viên vùng sâu, vùng xa. Cuộc sống của thầy cô còn rất vất vả, thu nhập từ nghề thấp nên phải ngược xuôi làm thêm đủ việc để cáng đáng kinh tế gia đình. Từ những mái trường nghèo này, có nhiều em học sinh đã ra đời, bước chân vào đại học. Nhiều người khác tạo dựng được cuộc sống riêng sung túc, nắm giữ những vị trí cao trong bộ máy chính quyền địa phương. Lứa đàn em thành công nhưng cuộc sống của những giáo viên này cũng chưa hết khó khăn. Nhiều thầy cô cho biết nhìn thấy học trò thành nhân và thành công là món quà đẹp nhất mà mình được nhận.

Chúng ta trân trọng sự cống hiến nhưng không thể cứ mãi xem đây là sự cống hiến hiển nhiên, vô điều kiện. Sự tận tâm của thầy cô giáo cần được nhìn nhận toàn diện cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất. Họ phải được tạo điều kiện tốt nhất để yên tâm đứng trên bục giảng. Công việc giảng dạy phải được trả công tương xứng dù biết rằng không có vật chất gì đo lường được công ơn dạy dỗ. Điều kiện dạy học phải được đầu tư đúng mực và rút ngắn sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

Giáo dục của chúng ta vẫn còn đi sau nhiều nước trong khu vực. Nên từ hàng chục năm qua, chúng ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đã rõ nhưng sự vận hành các chính sách để thực hiện vẫn quá gập ghềnh.

Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, những số liệu báo cáo cũng làm chúng ta lo ngại: Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho toàn ngành giáo dục (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) là 299.325 tỉ đồng, giảm 4,7% so với dự toán năm 2020. Qua báo cáo, Chính phủ nêu một số tồn tại, hạn chế như tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỉ lệ theo quy định. Tỉ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỉ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại các địa phương. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm…

Thử so sánh, Singapore chi cho giáo dục năm 2017 khoảng 200.000 tỉ đồng. Họ chi thấp hơn Việt Nam nhưng chúng ta có gần 100 triệu dân còn họ chỉ khoảng 5,7 triệu dân. Thái Lan chi khoảng 230.000 tỉ đồng/năm cho giáo dục. Và ngay trong năm 2020, họ chi 1,5 tỉ USD nhằm mục tiêu cải thiện giáo dục ở nông thôn.

Hiệu quả của giáo dục không bộc lộ trước mắt mà cần thẩm định qua từng thế hệ. Nếu đã xác định đây là quốc sách, ưu tiên hàng đầu thì tập trung mọi nguồn lực thực hiện cho bằng được. Trước hết phải cải thiện được đời sống của giáo viên để họ có thể toàn tâm toàn ý chăm lo cho học sinh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo