xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiện thực hóa khát vọng hùng cường

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Lựa chọn mô hình thể chế phù hợp và phát huy các lợi thế của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ hiện thực hóa được khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường

Tháng 7-2021, tờ The Straits Times của Singapore đưa ra dự báo là phải mất 10 năm nữa Việt Nam mới có thể tiêm chủng vắc-xin chống lại Covid-19 được cho 75% dân số. Dự báo này đã sai một cách cơ bản. Mới chỉ đến ngày 18-12-2021, nghĩa là chỉ sau hơn 4 tháng thì 82% dân số trên 18 tuổi của Việt Nam đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Và hiện nay, Việt Nam là một trong số ít nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Thành tựu vượt bậc trong tiêm chủng vắc-xin nói rất nhiều điều về tiềm năng và sức mạnh của đất nước Việt Nam.

Cải cách thể chế

Về mặt địa lý, Việt Nam thuộc nhóm các nước Đông Nam Á; nhưng về mặt văn hóa, chúng ta lại gần gũi hơn với nhóm các nước Đông Bắc Á. Thực ra, còn có một nước nữa có vị thế tương tự Việt Nam là Singapore. Về mặt địa lý, Singapore cũng thuộc nhóm các nước Đông Nam Á; nhưng về mặt văn hóa, nước này cũng gần gũi hơn với nhóm các nước Đông Bắc Á. Lý do là vì có đến 76,2% công dân của Singapore là những người gốc Hoa.

Như vậy, trên thế giới có 7 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền tảng văn hóa khá tương đồng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Singapore. Trong số này, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thật sự hóa hổ, hóa rồng gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc. Hai quốc gia còn lại chưa hóa hổ, hóa rồng là Việt Nam và Triều Tiên.

Trong 2 quốc gia này, sắp tới sẽ hóa hổ, hóa rồng chắc chắn sẽ là Việt Nam! Tất nhiên là nếu chúng ta lựa chọn được mô hình thể chế phát triển kinh tế phù hợp và phát huy được những lợi thế đang có của mình.

Hiện thực hóa khát vọng hùng cường - Ảnh 1.

Với 69% dân số trong độ tuổi lao động, là một trong những lợi thế rất lớn của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về việc lựa chọn thể chế, một trong ba đột phá chiến lược được Đảng ta chỉ ra là cải cách thể chế. "Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế!" là nhận thức và là phương châm hành động được nhất trí rất cao trong xã hội ta. Tuy nhiên, cải cách thể chế là cải cách cái gì và cải cách theo mô hình nào? Quả thực, đây là một câu hỏi không dễ trả lời, song nếu không trả lời được câu hỏi này thì chúng ta khó có thể thiết kế được một chương trình hành động mạch lạc và hiệu quả.

Thể chế có thể được hiểu là cách thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước. Ở cách hiểu này, nhà nước có thể được phân chia thành nhà nước tập quyền và nhà nước phân quyền.

Thể chế cũng có thể được hiểu là cách thức nhà nước vận hành nền kinh tế. Ở cách hiểu này, nhà nước có thể được phân chia thành nhà nước điều chỉnh, nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhà nước phúc lợi và nhà nước kiến tạo phát triển… Nếu chúng ta muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì cải cách thể chế mà chúng ta cần ưu tiên triển khai phải là những cải cách liên quan để thể chế ở cách hiểu thứ hai này. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ lựa chọn mô hình nào trong những mô hình nói trên để cải cách?

Thực tế cho thấy không có một mô hình thể chế nào tốt một cách chung chung, phù hợp một cách chung chung cho tất cả các nước trên thế giới. Mỗi mô hình thể chế chỉ có thể phát huy tác dụng trên một nền tảng văn hóa nhất định.

Hãy nhìn vào các nước Đông Bắc Á! Mặc dù có mô hình thể chế về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước khác nhau nhưng do nền tảng văn hóa tương đồng nên các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc đều lựa chọn mô hình thể chế vận hành kinh tế khá giống nhau. Đó là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental State).

Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, chúng ta đã từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung và đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy, tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua.

Giải quyết 3 "điểm nghẽn"

Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành "hổ", thành "rồng’ như các nước Đông Bắc Á? Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất, có lẽ, là 3 nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, chúng ta chưa có được một khuôn khổ lý thuyết đủ mạch lạc, sáng tỏ về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Thứ hai, chúng ta chưa có được một bộ máy hành chính - công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi như các nước Đông Bắc Á. Thiếu một bộ máy hành chính - công vụ như vậy, các chương trình công nghiệp hóa cho dù sáng suốt đến đâu cũng khó có thể được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Thứ ba, chúng ta ít coi trọng việc thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại chủ yếu thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, muốn kinh tế phát triển vượt bậc, đất nước nhanh chóng trở nên hùng cường, chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực của mình để xử lý 3 nguyên nhân nói trên.

Tận dụng và phát huy lợi thế

Phát huy những lợi thế mà chúng ta đang có cũng là cách để đất nước nhanh chóng trở nên hùng cường.

Lợi thế đầu tiên là về địa chính trị, cũng như địa kinh tế. Việt Nam nằm ở khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất của thế giới. Hiệu ứng lan tỏa của sự phát triển này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Cho dù sự tác động này là khá đa nghĩa, người Việt chúng ta vẫn hoàn toàn có thể hoạch định chiến lược phát triển của mình để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các thách thức.

Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, có vẻ như lịch sử đang lặp lại. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới không khéo lại đang vô tình hay hữu ý khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ta. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng vị trí chiến lược của mình để thúc đẩy sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Quả thật, tận dụng lợi thế và giảm thiểu thách thức của địa chính trị là một phép cân đối khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đang khá thành công với phép cân đối này. Phải chăng kinh nghiệm lịch sử đã giúp cho chúng ta làm được điều này?

Lợi thế thứ hai là dân số vàng. Nước ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Việt Nam là một trong 10 nước có dân số vàng trên thế giới. Với 69% dân số trong độ tuổi lao động, đây là một trong những lợi thế rất lớn của đất nước. Những người làm ra của cải vật chất đang lớn hơn rất nhiều so với những người phải sống dựa vào an sinh xã hội. Mà như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể tích tụ sự giàu có dễ dàng hơn. Tận dụng cơ hội này để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy nhanh tốc độ phát triển phải là định hướng chính sách quan trọng của chúng ta. Không gì đáng buồn hơn là tình cảnh "chưa giàu đã già".

Lợi thế thứ ba là mô hình quyền lực tập trung, thống nhất. Chúng ta tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc quyền lực nhà nước tập trung, thống nhất. Mô hình này có ưu điểm là giúp xác lập và thúc đẩy các ưu tiên của quốc gia dễ dàng hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, đường, tàu cao tốc... là không thể thiếu để đất nước có thể phát triển vượt bậc. Mô hình quyền lực tập trung, thống nhất sẽ giúp chúng ta dễ dàng quyết định và triển khai xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng như vậy. Mô hình phân quyền có ưu điểm là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương nhưng lại rất khó khăn cho việc xác lập các ưu tiên của quốc gia. Mà khó xác lập các ưu tiên của quốc gia, thì đất nước cũng khó có thể phát triển một cách vượt bậc.

Định vị đúng vai trò của Nhà nước

Khái niệm "Nhà nước kiến tạo phát triển" (Developmental State) được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm 80 của thế kỷ trước khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan cũng được xem có cùng mô hình. Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình này là nhà nước trực tiếp đề ra một chương trình công nghiệp hóa (với những tham vọng lớn) và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cùng nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp hóa đất nước. Có thể nói trong mô hình này, sự phát triển kinh tế do nhà nước dẫn dắt chứ không hẳn do thị trường. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa mô hình nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không làm thay thị trường. Nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo