Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trước hết, cần khẳng định người có "thẻ xanh" không may bị mắc Covid-19 thì không nguy hiểm cho chính bản thân họ và cũng không tạo gánh nặng cho ngành y tế. Ngay cả khi họ mắc bệnh thì tải lượng virus cũng thấp, khả năng lây cho người khác ít hơn người chưa tiêm nhiều.
Hiểu đúng như vậy để có biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. Không nên kiểm soát "thẻ xanh" ngoài đường, mà phải kiểm soát ở nơi đến. Phải có hướng dẫn rõ người "thẻ xanh" được đi đến khu vực nào, người chưa đạt "thẻ xanh" được đi đến khu vực nào.
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp... vẫn có lực lượng lao động không phải 100% "thẻ xanh", thậm chí mới tiêm mũi 1 không lâu. Nhiều người trong số này lại là đối tượng nguy cơ, do là người có vấn đề sức khỏe nên bị trì hoãn tiêm chủng, là thai phụ chỉ mới được cho tiêm chủng gần đây... Vì vậy, các đơn vị này nên có biện pháp bố trí việc làm phù hợp. Người có "thẻ xanh"có thể đảm đương các công việc cần giao tiếp. Còn nhóm nhân viên chưa được tiêm ngừa đủ nên được làm việc trong điều kiện bảo đảm 5K. Nếu được, để họ tạm thời làm online cho đến 14 ngày sau khi tiêm đủ mũi 2, nhất là nhóm có nguy cơ như thai phụ, người có bệnh nền...
Một số người lo lắng người "thẻ xanh" đi làm về lây cho các thành viên trong gia đình chưa được tiêm chủng đủ. Cách tốt nhất là người "thẻ xanh" khi đi làm về nên giữ khoảng cách với người nhà, sinh hoạt riêng biệt, nhất là không ăn chung. Cũng đừng nói chuyện với hàng xóm, đi thăm viếng bạn bè vội... Thời gian đầu, người có "thẻ xanh" chỉ nên để đi làm, để khôi phục kinh tế. Về lâu dài, cần phủ "thẻ xanh" cho đối tượng nguy cơ thì mới "sống chung" an toàn được.
Hiểu đúng về "thẻ xanh" và "bình thường mới" (Ảnh minh họa)
Một vấn đề khác đặt ra, đó là F0 đã khỏi bệnh, bao gồm người được xuất viện, người được địa phương quản lý tại nhà và cả người tự điều trị có nên được xem như người có "thẻ xanh" để được ra đường, làm việc trở lại như bình thường? Xin khẳng định, F0 đã khỏi bệnh còn an toàn hơn người đã tiêm 2 mũi. F0 tự điều trị tại nhà và tự khỏi cũng an toàn như F0 được ngành y tế từng quản lý. Từ đó, cần có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng: người đã tiêm đủ 2 mũi, F0 đã khỏi bệnh, người đã tiêm 1 mũi, người chưa tiêm mũi nào: nguy cơ cho bản thân họ, nguy cơ cho gia đình; nguy cơ cho đối tác, nguy cơ cho cơ quan; họ được đi đến đâu, tham gia phát triển kinh tế, hòa nhập ở mức độ nào.
Điều quan trọng nhất khi mở cửa, trở lại "bình thường mới" là năng lực đáp ứng của ngành y tế. Tình hình hiện tại của TP HCM là ổn, năng lực điều trị không còn quá lo, vì mọi người đã quen chiến đấu suốt nhiều tháng qua. Hết quá tải, bệnh nhân nặng được chăm sóc tốt hơn thì tỉ lệ tử vong sẽ giảm mạnh.
Còn về số ca lây nhiễm trong cộng đồng, cần phân tích chứ đừng nhìn vào con số một cách hoảng hốt. Ví dụ, nếu ở đâu có nhiều bệnh nhân nặng do chưa tiêm ngừa, phải rà soát ngay, xem tại sao họ chưa được tiêm để trám lỗ hổng ngay. Còn bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng thì không đáng lo nữa đối với một cộng đồng đã tiêm chủng đầy đủ.
Về xét nghiệm, đã đến lúc giảm bớt, chỉ nên tập trung đúng vùng nguy cơ, dựa theo độ phủ tiêm ngừa và các hộ gia đình có người nguy cơ chưa được tiêm chủng đủ, xét nghiệm cho nhóm có triệu chứng, chứ không nên dàn trải như trước đây.
Bình luận (0)