Mô hình ứng dụng máy bay không người lái (còn gọi là phương tiện/thiết bị bay không người lái) để phun tưới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây lúa đã xuất hiện tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp khoảng một năm trở lại đây.
Mày mò học hỏi
Người có ý tưởng mang mô hình tiên tiến này áp dụng trên cánh đồng lúa quê nhà là kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa (SN 1987), cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông.
Năm 2009, anh Nghĩa tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, chuyên ngành nuôi trồng thủy sản. Sau đó, anh được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hoàng Long (xã Phú Cường, huyện Tam Nông), phụ trách kỹ thuật vùng nuôi cá tra. Làm việc không bao lâu, kỹ sư Nghĩa được tín nhiệm giao giữ chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ của công ty.
Kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa triển khai phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân
Từ năm 2012 đến nay, kỹ sư Nghĩa về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông.
Trong quá trình hoạt động trong ngành nông nghiệp, chàng kỹ sư 8X này luôn trăn trở với kỹ thuật phun thuốc trên lúa của nông dân còn thủ công, thiếu máy móc hiện đại và hiệu quả không cao. Từ đó, anh mày mò học hỏi thông tin trên các trang mạng và tìm thấy mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái của Công ty Agras.
Sau lần tìm hiểu này, kỹ sư Nghĩa tìm đến và được giới thiệu gặp lãnh đạo của Công ty Agras, đơn vị chuyên cung cấp dòng máy bay phun thuốc trên cây trồng, đặc biệt hiệu quả cho cây lúa với dòng DJI MG-1P. Nhận thấy đây là dòng máy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, anh tự chi tiền mua 1 máy dùng thử.
Nhiều ưu điểm
Đầu tháng 5-2019, kỹ sư Nghĩa đưa máy bay phun tưới phân bón, thuốc BVTV trình diễn tại nhiều điểm canh tác lúa trong huyện. Lúc đầu, nông dân chưa tin tưởng vào phương pháp phun thuốc bằng máy bay vì thấy lượng nước giảm đến 90%; chưa có những dòng thuốc BVTV chuyên dụng cho thiết bị này...
Theo kỹ sư Nghĩa, thời điểm đầu, để tạo niềm tin trong nông dân, anh vừa vận hành máy bay phun thuốc thử nghiệm miễn phí vừa kiên trì thuyết phục họ dùng thử. Qua thời gian cố gắng, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông đã tin tưởng và tìm đến anh ký hợp đồng phun thuốc BVTV trên lúa bằng máy bay.
"Thiết bị này có thể phun 30 ha/ngày, hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch, không thất thoát lúa do giẫm đạp trong quá trình phun và hạn chế việc ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất" - anh Nghĩa nói.
Nếu như ban đầu chỉ hoạt động nhỏ lẻ, đến nay, kỹ sư Nghĩa đã thành lập tổ phun xịt thuốc BVTV bằng máy bay không người lái với 6 bộ thiết bị. Theo đó, chi phí phun xịt thuốc giữa máy bay và phun truyền thống gần như tương đương nhau, giá trung bình khoảng 200.000 đồng/ha nhưng hiệu quả phun xịt của máy bay lại cao hơn. Nhờ hiệu quả phun xịt tốt nên phun bằng máy bay sẽ giảm được khoảng 30% chi phí thuốc BVTV so với phun xịt bằng tay. Dù năng suất lúa không thay đổi nhưng nhờ tiết kiệm được chi phí thuốc BVTV giúp nông dân tiết kiệm chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/ha.
Một ưu điểm nổi bật khác của những chiếc máy bay phun xịt thuốc là khi sử dụng máy, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, vì vậy hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV.
Với những hiệu quả thiết thực ban đầu, dự án Tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái của kỹ sư trẻ này đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cuộc thi khởi nghiệp khu vực ĐBSCL.
Dự định sắp tới, kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa sẽ tăng thêm số lượng máy bay vì hiện nay nhu cầu của nông dân rất lớn. Bên cạnh đó, anh cũng kết hợp đào tạo người điều khiển máy bay để giúp thanh niên địa phương có việc làm ổn định và tăng thu nhập; kết hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh thực hiện các mô hình khuyến nông, tạo điều kiện cho mọi nông dân có thể tiếp cận với công nghệ mới.
Cải thiện môi trường
Theo ông Lưu Văn Tiến, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, tuy chỉ hoạt động một thời gian ngắn nhưng dự án phun xịt thuốc BVTV không người lái rất phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Qua đó cho thấy được công năng, hiệu quả giúp giải được bài toán thiếu nhân công, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và cải thiện môi trường thiên nhiên.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)