Tại phiên họp này, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra 2 phương án, tăng LTT bình quân 7,25% hoặc 8,16% so với năm 2020 - 2021. Đại diện các hiệp hội thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng LTT vùng từ 3% - 6% từ ngày 1-1-2023. Bộ phận kỹ thuật của HĐTLQG đưa ra phương án tăng LTT vùng từ 5% - 6,18%. Sau đó, HĐTLQG chốt đề xuất tăng LTT vùng là 6%, áp dụng từ ngày 1-7-2022 đến 31-12-2023 và trình Chính phủ xem xét quyết định.
Thế nhưng mới đây, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn LTT vùng đến ngày 1-1-2023, với lý do làm ăn khó khăn sau đại dịch, nhiều DN bị kiệt quệ, tăng lương vào tháng 7-2022 thì DN không chuẩn bị kịp...
Ngay trong phiên họp HĐTLQG, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cũng cho rằng việc tăng lương sẽ ảnh hưởng nhiều đến DN trong bối cảnh hiện nay, bởi cộng đồng DN cũng đang rất khó khăn và mới bắt đầu phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, ông nói mức đề xuất tăng LTT vùng 6% được thống nhất đã là một nỗ lực lớn của hai bên.
Thấu hiểu với hoàn cảnh DN, song đề xuất lùi thời hạn thực hiện tăng LTT đến đầu năm 2023, hẳn các hiệp hội đã không nghĩ đến ngưỡng chịu đựng và cả sự chia sẻ, chấp nhận chịu thiệt vì lợi ích chung của cả hai phía trong quan hệ lao động, vì sự tồn tại và phát triển DN. Trong những lúc khó khăn nhất, nhất là chống chọi với đại dịch, người lao động (NLĐ) vẫn gắn bó, san sẻ gánh nặng cùng DN. Từ khi có Bộ Luật Lao động 2012, mức điều chỉnh LTT vùng tăng bình quân trên 8%/năm. Tuy nhiên, năm 2019 chỉ điều chỉnh tăng lương hơn 5%, còn 2 năm 2020, 2021 thì không điều chỉnh LTT.
Nhìn vào con số hàng triệu NLĐ cùng "thắt lưng buộc bụng" suốt hơn 2 năm qua, để thấy khoản lợi ích họ san sẻ là lớn đến mức nào. Nhưng không thể vì vậy mà đề xuất kéo dài thêm thời hạn với những lý do như trên. Khó khăn đã được chia đều, đâu chỉ riêng DN chịu. Đời sống NLĐ 2 năm qua vất vả hơn, các chi tiêu sụt giảm thấp nhất, mức sống xuống thấp hơn trong khi giá cả leo thang... thì càng trì hoãn tăng LTT càng làm cho tinh thần của NLĐ đi xuống, giảm dần động lực cống hiến, ý chí đồng cam cộng khổ. Cái lớn lao nhất trong cùng nhau phòng chống đại dịch 2 năm qua là lòng tin đối với nhau, qua nếp nghĩ này, cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nếu được xác nhận, tán đồng.
Cũng cần hiểu rằng thời điểm đề xuất tăng LTT đã được HĐTLQG cân nhắc thấu đáo. Với những quyền lợi thiết thân nhất của NLĐ như tiền lương, thu nhập, việc làm, bảo hiểm xã hội... thì không nên nửa vời, trả treo. Thực tế cũng cho thấy những DN thiếu thiện chí, không có chính sách đãi ngộ thì khó giữ chân NLĐ và có được nguồn lao động lâu dài.
Bình luận (0)