xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới

Minh Chiến - Văn Duẩn

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu

Chiều 17-11, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại kỳ họp QH đã thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; kiến nghị của cử tri; công tác tư pháp; công tác phòng chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu (ĐB) toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cung cấp góc nhìn toàn diện

QH đã cho ý kiến bước đầu về dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

"Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành đã chủ động phát biểu, kịp thời báo cáo, giải trình các nội dung cần thiết, cung cấp góc nhìn toàn diện, cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan về các vấn đề ĐB nêu" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch QH, bước sang năm 2021 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới, QH đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức đồng lòng, chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới; đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới - Ảnh 1.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báoẢnh: NGUYỄN NAM

Đổi mới trong hoạt động

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả.

Tại đây, các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm đến "số phận" 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi có kết quả lấy phiếu ý kiến của ĐBQH.

Cụ thể, đa số ĐBQH không đồng tình với việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ để ban hành luật riêng; không đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lấy phiếu nêu trên là cơ sở QH chuyển cho Chính phủ để hoàn thiện. Về 2 dự án luật này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp sau trình 1 hay 2 dự luật thì do Chính phủ kiến nghị, không phải do QH.

Trước câu hỏi của báo chí về việc đa số ĐBQH không đồng ý tách luật, như vậy đây là bước tiến hay bước lùi trong hoạt động lập pháp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng "có cả tiến cả lùi". Theo đó, đây là vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội, cần thêm thời gian để đánh giá kỹ lưỡng. Đồng thời, QH tôn trọng ý kiến của các ĐB, sẽ chuyển cho cơ quan soạn thảo.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời thêm về các tranh luận tại nghị trường đối với 2 dự án luật này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cho rằng những vấn đề ĐBQH nêu sẽ được Chính phủ tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để thông qua thì rất tốt, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo ông Hồng, 2 dự án luật này có khối lượng hồ sơ tài liệu rất lớn, nên ĐBQH tiếp cận dưới một số quy định, nội dung có liên quan, chưa tiếp cận được bao quát.

"Tôi hơi tiếc khi các ĐBQH chưa bao quát được hết nội dung 2 dự án luật. Khi nói như thế này, có thể có ĐBQH nói tôi võ đoán nhưng tôi cảm nhận như vậy" - ông Nguyễn Thanh Hồng nói, đồng thời khẳng định trước báo giới rằng dù là cán bộ ngành công an biệt phái nhưng khi ông phát biểu trước QH không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây đấy". Ông khẳng định đã công tác 15 năm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên có kinh nghiệm thực tiễn. Đề cập vấn đề đa số ĐBQH không tán thành việc tách luật, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng ĐB thảo luận, tranh luận rồi QH xin ý kiến, đó là việc đổi mới trong hoạt động của QH.

Đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines

Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV. Theo Nghị quyết, QH nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, QH cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định.

Trong ngày làm việc cuối cùng, QH "chốt" ngày 23-5-2021 sẽ là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, QH thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% ĐB tán thành.

Nhiều băn khoăn về việc thành lập lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 10 (17-11), thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; đối tượng điều chỉnh là bảo vệ dân phố; dân phòng; công an xã, thị trấn bán chuyên trách), các ĐBQH đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc thống nhất 3 lực lượng này cũng như có cần thiết ban hành luật này hay không.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có nhiều nội dung liên quan công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, đề nghị cân nhắc ban hành luật này, vì hiện nay việc thực hiện chính quy công an xã đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của công an xã bán chuyên trách.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng có cùng băn khoăn và nói thêm là dự luật chưa đưa ra đánh giá tác động, chưa tổng kết các lực lượng hiện hành như bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chính quy để rút kinh nghiệm, tìm hiểu xem các lực lượng này thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua làm được gì, chưa làm được gì mà vội vã ban hành luật là chưa thật sự khách quan.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Chính phủ cân nhắc đầy đủ các khía cạnh, cần đặt trong bối cảnh tình hình đất nước, địa phương, các lực lượng giữa công an và quân đội, giữa công an/quân đội và các địa phương để nghiên cứu lại dự thảo luật. Luật mà không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn thì dứt khoát không thể ban hành.

ĐB Trần Kim Yến (TP HCM) thống nhất với việc ban hành luật này, song cần tiếp tục nghiên cứu dự thảo theo đúng mục tiêu phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. ĐB Yến lưu ý khi hoàn thiện dự thảo luật, tránh chính quy hóa lực lượng quần chúng, làm giảm nhiệt tình của quần chúng và cũng tránh tình trạng làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy hoặc lạm quyền. Việc thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chính quy sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khắc phục được thực trạng hiện nay có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.

Giải trình ý kiến ĐB, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định các lực lượng được nêu trong dự án luật đang có sẵn. Vì hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp nên phải quy định bằng luật. "Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết theo hồ sơ dự án luật, nếu được thông qua thì lực lượng bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có khoảng 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người. Số liệu này chưa thuyết phục, bởi 3 lực lượng này hiện là 696.000 người, trong khi chỉ có 196.000 người là công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố là hưởng ngân sách thường xuyên, còn 500.000 dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc hoặc khi được bồi dưỡng nghiệp vụ. Cho nên, nếu thông qua luật này thì số lượng người tăng thêm được hưởng ngân sách hằng tháng của địa phương là 804.000 người chứ không phải giảm 500.000 người.

Theo dự thảo, ngân sách địa phương phải bố trí để chi trả, kể cả trụ sở, phụ cấp và bảo hiểm... Một số ĐB cũng lo ngại ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, để bố trí cho việc an sinh xã hội.

V.Duẩn - M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo