Đồng Nai: Bé 3 tuổi bị cô giáo làm gãy chân. Tóm tắt: Tại Trường Mẫu giáo tư thục H.M (TP Long Khánh), bé trai 3 tuổi ăn cơm chậm, bị cô giáo dọa, ẵm lên và lấy chân cậu bé vắt lên cổ. Khi bé kêu đau, cô này chở đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận: Bé bị gãy xương đùi!
Thanh Hóa: Bé H.L, 3 tuổi, bị bỏ quên trong phòng vệ sinh cạnh lớp học Trường Mầm non T.L (huyện Hậu Lộc). Nguyên nhân: Hết giờ dạy, cô giáo phụ trách lớp không kiểm tra phòng mà khóa cửa ra về. Gia đình phải báo công an và đi kiếm, 2 giờ sau mới tìm thấy cháu.
TP HCM: Nhiều trẻ ở trường K.C (quận 9) bị nôn ói sau khi ăn bữa sáng, có dấu hiệu ngộ độc. Cách xử lý của trường là gọi cho phụ huynh đưa về, sau đó các bé nôn ói không ngừng, người nhà phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, điều trị.
Cũng tại quận 9, TP HCM những ngày qua "sục sôi" vụ việc ở Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi. Phụ huynh sau nhiều lần nghe con về nhà than đói đã tìm cách tận mục sở thị bữa ăn bán trú của các con và phát hoảng khi thấy đồ ăn quá tệ. Trong buổi đối thoại với ban giám hiệu nhà trường và Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 9, nhiều phụ huynh đã bật khóc vì thương con và bức xúc...
Không thể kể hết những trường hợp trẻ mầm non bị bạc đãi, hành hạ, bởi nó xảy ra mỗi ngày, tại nhiều nơi. Mỗi khi xảy ra chuyện thì các bên hữu trách đều đứng ra nhận trách nhiệm, có nơi giáo viên hoặc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách... bị kỷ luật nặng, từ cảnh cáo đến mất việc.
Nhưng cách xử lý chẳng ai mong muốn vì chẳng qua là "cắt ngọn", không giải quyết được vấn đề từ gốc. Do vậy, quan trọng hơn cả là làm thế nào ngăn chặn từ đầu, cách gì để những chuyện đau lòng như thế đừng xảy ra ở học đường?
Giải pháp chính là phải giám sát học đường thường xuyên. Cần xây dựng cơ chế để việc giám sát được tiến hành công khai, minh bạch và thực chất.
Ai giám sát? Cơ quan quản lý giáo dục, chưa đủ. Kể cả đoàn liên ngành gồm quản lý giáo dục - đào tạo, an toàn vệ sinh thực phẩm và chăm sóc, bảo vệ trẻ em hùng hậu đến mấy chăng nữa mà kiểm tra, giám sát theo kiểu chuyên đề hay định kỳ cũng đều không hiệu quả. Vì sao vậy? Bởi kế hoạch kiểm tra, giám sát được báo trước; báo trước để chuẩn bị, để tiếp đón, kết quả thường là 100% chỉ tiêu đạt chuẩn. Rồi sau này, nơi được kiểm tra, giám sát lại mắc sai phạm ngay chính nội dung đã từng được đánh giá "đạt chuẩn" đó!
Phải để cho gia đình học sinh giám sát, cụ thể là ban đại diện cha mẹ học sinh. Họ được quyền vào trường/lớp giám sát thường xuyên hoặc đột xuất bữa ăn, giấc ngủ của trẻ và có kiến nghị kịp thời và được lắng nghe. Camera dù đã giúp họ phần nào nhưng họ phải giám sát tận nơi, vào bất kỳ lúc nào, miễn không ảnh hưởng việc dạy và học thì môi trường học đường mới có cơ may tốt hơn.
Nỗi lo mới nhất là quy định về việc học sinh dùng điện thoại thông minh vào việc học (khi được giáo viên đồng ý). Một mình giáo viên không thể nào giám sát nổi 40-50 em cùng lúc, trong khi phụ huynh đứng ngoài cuộc. Vậy là thêm một lỗ hổng - thêm một mối nguy về mất an toàn học đường.
Bình luận (0)