Theo đó, 2 học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) và nhóm học sinh nhỏ tuổi hơn ở Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đã giành huy chương vàng Olympic Phát minh và sáng chế thế giới (World Invention and Creativity Olympiad - WICO) 2023 và giải đặc biệt do Đại học Chulalongkorn của Thái Lan trao tặng cho dự án "Nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình".
Dự án của nhóm học sinh Hà Nội được đánh giá cao bởi tính thực tiễn trong việc giải quyết một trong những vấn đề lớn hiện nay của không chỉ TP Hà Nội mà các đô thị trong và ngoài nước nói chung. Ý tưởng về dự án của nhóm học sinh nhen nhóm từ chính thực tiễn hằng ngày khi các em chứng kiến rất nhiều rác thải nhựa thải ra môi trường mà không thể xử lý hết.
Nhóm học sinh Hà Nội đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về nạn rác thải trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Các em nhận thấy rác thải đang trở thành vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải mỗi ngày tại Việt Nam khoảng 50.000 tấn, trong đó có một phần đáng kể là rác thải nhựa, những sản phẩm từ nhựa được tạo ra với mục đích dùng một lần.
Một số liệu của Tổng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết khối lượng rác thải hằng ngày tại thủ đô Hà Nội lên đến 6.500 tấn, trong đó lượng chất thải nhựa chiếm hơn 17%. Tuy nhiên, chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế, còn lại đều bị thải ra môi trường. Rác thải nhựa vì thế là một vấn đề "nhức đầu" ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố.
Dù hiện nay đã có nhiều giải pháp xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, song chưa có giải pháp vừa xử lý được vấn đề vừa thực sự thân thiện với môi trường. Thực trạng đó thôi thúc nhóm học sinh Hà Nội tạo ra một chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy rác thải, có thể ngăn được ô nhiễm thứ cấp.
Bắt tay vào nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình với sự giúp đỡ rất quan trọng của các thầy cô giáo, nhóm học sinh Hà Nội đã nhận thấy sâu sáp có khả năng phân hủy được rác thải nhựa nhờ vào các enzyme khi chúng tiêu hóa. Thực ra, việc phát hiện sâu sáp có tiềm năng lớn cho việc xử lý rác thải nhựa không phải là vấn đề mới, bởi các nhà khoa học ở Đại học Cantabria (Tây Ban Nha) trước đó đã phát hiện "khả năng ăn rác thải nhựa đáng kinh ngạc của sâu sáp". Thế nhưng, dự án của nhóm học sinh Hà Nội vẫn được đánh giá cao bởi tính thực tiễn cũng như việc các em biến những kiến thức học hỏi, tìm hiểu thành giải pháp xử lý một vấn đề nan giải trong cuộc sống.
Hy vọng dự án của nhóm học sinh Hà Nội tiến thêm một bước nữa, được áp dụng trong đời sống thường nhật của các gia đình không chỉ ở thủ đô mà còn ở các thành phố khác.
Bình luận (0)