Ngày 18-9, Thủ tướng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, về việc giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) trung ương. Quyết định của Thủ tướng dựa trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Vai trò hạn chế, không hiệu quả
Trước đó, trong văn bản đề nghị gửi Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất bộ trưởng hoặc thứ trưởng GTVT làm chủ tịch quỹ này; giải thể văn phòng quỹ, chuyển toàn bộ nhiệm vụ của hội đồng quản lý quỹ cho chủ tịch Quỹ BTĐB. Các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng tham mưu cụ thể tương ứng theo nhiệm vụ được phân công cho chủ tịch quỹ. Việc quản lý thu, chi của quỹ thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5-12-2012 của Thủ tướng, chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB trung ương là bộ trưởng Bộ GTVT; 4 phó chủ tịch là thứ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT và tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giải thích lý do khiến Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB trung ương bị đề nghị giải thể là vì từ năm 2017, thực hiện quy định của pháp luật về Luật Phí và Lệ phí, Luật NSNN, nguồn thu của Quỹ BTĐB từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào NSNN, nhu cầu chi cho quỹ đều do ngân sách cấp. Riêng việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng quyết định cấp cho các địa phương. "Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB trung ương có hạn chế, không bảo đảm hiệu quả như trước đây" - ông Lê Đình Thọ nêu rõ.
Bảo trì hệ thống quốc lộ từ kinh phí phân bổ của Quỹ Bảo trì đường bộẢnh: TRẦN DUY
Không ảnh hưởng việc điều hành
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sau khi Thủ tướng đồng ý giải thể, bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ Tài chính, Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ BTĐB; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể về tổ chức hoạt động của quỹ để bảo đảm phù hợp theo cơ chế mới. Đối với văn phòng quỹ, phương án đề xuất là sáp nhập vào Vụ Tài chính của Bộ GTVT và có cơ chế vận hành phù hợp.
"Việc giải thể sẽ không ảnh hưởng gì tới điều hành quản lý quỹ vì sẽ có cơ chế quản lý mới theo Luật NSNN. Vì vậy, nếu tồn tại Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB trung ương, chỉ thêm khâu trung gian, phức tạp" - ông Thọ nói.
Theo Bộ GTVT, Quỹ BTĐB trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì, NSNN vẫn phải cấp bù. Cụ thể, đối với hệ thống quốc lộ, số thu của quỹ năm 2013 đáp ứng 70%, năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%...
Thu 30.000 tỉ đồng Quỹ Bảo trì đường bộ
Theo báo cáo của Quỹ BTĐB, năm 2013, Quỹ BTĐB được thành lập theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và Nghị định số 18/2012. Nguồn thu của quỹ tăng qua các năm; tổng thu từ năm 2013-2017 khoảng 30.000 tỉ đồng, trong đó phân bổ về địa phương trên 10.000 tỉ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác BTĐB. Tuy nguồn thu Quỹ BTĐB năm sau cao hơn năm trước nhưng NSNN vẫn phải cấp bù cho công tác này. Tổng nguồn thu mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ.
Sự ra đời của quỹ cũng như sự tồn tại của hội đồng quản lý quỹ này gắn liền với thời kỳ mở rộng dự án BOT giao thông mà những bất cập trong thu chi, đặt trạm vấp phải phản đối của người dân.
Bình luận (0)