Vỉa hè ở TP HCM vẫn bị chiếm dụng làm quán nhậu, quán cà phê, bãi giữ xe trái phép sau các đợt ra quân rầm rộ của các địa phương. Điều này khiến người dân nghi ngờ quyết tâm "đòi" lại lòng đường, vỉa hè.
"Vỉa hè này là của quán nhậu"
Đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức có hàng trăm quán nhậu mọc lên san sát và chủ quán tận dụng vỉa hè làm nơi bày bàn ghế, để xe cho khách. Theo khảo sát, nhiều nhất phải kể đến phường 11 và phường 13 (quận Bình Thạnh) bởi sự lấn chiếm đến mức người đi bộ buộc phải liều mạng đi dưới lòng đường.
Tối 12-8, đi dọc tuyến đường này, chúng tôi nhận thấy 2 quán ăn Lửa BBQ và 123zo.vn bày nhiều bàn ghế để thực khách ngồi sát lề đường, chiếm hết vỉa hè. Không những vậy, chủ quán nhậu còn cho nhân viên lao xuống đường để chèo kéo khách. Khi qua những quán này, người đi xe máy dễ bị giật mình bởi những nhân viên bất thình lình đứng trước mặt.
Xe hơi vô tư đậu dưới lòng đường, vỉa hè đường Phạm Văn Đồng khiến người dân bức xúc Ảnh: SỸ ĐÔNG
Qua cầu Rạch Lăng, 2 quán Phố nướng và Ken (phường 11) cũng chiếm dụng vỉa hè giống như các quán ở phía phường 13. Đáng chú ý nhất là quán Saigon New ở phường 1, quận Gò Vấp trưng dụng một đoạn vỉa hè dài khoảng 50 m làm bãi giữ xe.
Không dừng lại ở đó, nhiều ô tô của thực khách cũng tràn xuống lòng đường. Ông Nguyễn Văn Tài, ngụ phường 1, cho biết khoảng hơn 1 tháng qua ông không thấy lực lượng chức năng kiểm tra vỉa hè, thành ra các quán nhậu cứ thế mà lấn. "Chấn chỉnh lòng đường, vỉa hè là chiến dịch dài hơi nên phường và quận phải làm đều tay chứ bữa làm bữa nghỉ thì chỉ mang tính hình thức, tốn công tốn sức và làm chúng tôi mất lòng tin" - ông Tài nhận định.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm quán nhậu tràn lan cũng xảy ra trên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình.
Dọc đường Trường Sa, vừa chạy qua khỏi đường ray xe lửa thì đập vào mặt người đi đường là bàn ghế bày la liệt của quán Quỳnh nằm chình ình trên vỉa hè. Khi vỉa hè rôm rả tiếng cười của thực khách cũng là lúc người đi bộ phải len lỏi dưới lòng đường cùng với ánh đèn pha của xe máy, ô tô chạy ầm ầm.
Vừa qua quán Quỳnh là đến quán Hùng cũng chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Danh sách quán nhậu chiếm dụng vỉa hè tiếp tục kéo dài bởi sự góp mặt của các quán đình đám như: quán dê Ông Nghiêm, Bia tô bờ kè, Bamboo, Điểm hẹn, 68 hay các quán ốc phía cuối đường như ốc Hòa, ốc Quế, ốc Lâm ở phường 3, quận Tân Bình.
Quận 1 cấp bãi giữ xe cho "người nhà"
Vỉa hè nhiều tuyến đường ở quận 1 rộng 4-5 m với những hàng cây cổ thụ không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi lý tưởng để tổ chức các bãi giữ xe. Phường Bến Nghé có nhiều bãi giữ xe nhất, đường Nguyễn Du và Lý Tự Trọng là 2 tuyến đường dày đặc bãi giữ xe… trên vỉa hè. Đơn cử, đường Nguyễn Du có một bãi giữ xe kéo dài hàng chục mét phía sau khu đất của Tập đoàn Tân Hoàng Minh; rồi đoạn trước Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có 2 bãi giữ xe trên vỉa hè với chiều dài lên đến 50 m. Theo ghi nhận, các tuyến đường này được trồng thêm mảng xanh trên vỉa hè cộng với việc cấp phép bề rộng vỉa hè lên đến 3 m khiến lối đi của người đi bộ chỉ còn vỏn vẹn một viên gạch. Không những vậy, nhiều mảng xanh bị xe máy giày xéo, trông giống như ruộng đồng. Tương tự, đường Nguyễn Siêu và Thi Sách cũng có nhiều bãi giữ xe chiếm gần hết vỉa hè dành cho người đi bộ.
Bãi giữ xe cấp cho Công ty CP Nhà máy In Trần Phú (phường Bến Nghé, quận 1) quy định không được để xe ở góc ngã tư nhưng vẫn tiếp tục vi phạm Ảnh: SỸ ĐÔNG
Theo tìm hiểu, các bãi giữ xe này được cấp cho các đoàn thể, Công đoàn các phòng ban thuộc quận 1. Đơn cử, 2 bãi giữ xe trên đường Nguyễn Du (trước Bệnh viện Nhi Đồng 2) được cấp cho Công đoàn cơ sở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Công đoàn cơ sở Phòng Tài chính - Kế hoạch với diện tích lần lượt là 180 m2 và 150 m2.
Còn bãi giữ xe phía sau Nhà hát TP thì được cấp cho Công đoàn Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 từ nhiều năm nay. Vừa qua, bãi giữ xe này đã bị thu hồi bởi theo lãnh đạo UBND quận 1, không chấp nhận một bãi giữ xe chiếm dụng lòng đường do chính lực lượng đang đi xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quản lý!
Điều đáng nói là bãi giữ xe cạnh trụ sở UBND quận 1 được cấp cho Công đoàn Văn phòng UBND quận 1 hết thời hạn sử dụng từ năm 2015 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thu phí người dân. Sau 2 năm hoạt động "lậu", bãi giữ xe này đã bị giải tán, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
Riêng Công ty CP Nhà máy In Trần Phú được cấp phép sử dụng tạm vỉa hè giữ xe cho khách và nhân viên nhưng không được thu tiền. Đơn vị này được sử dụng chiều rộng 1,5 m vỉa hè trên các tuyến đường Thi Sách - Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung, trừ các góc đường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì nhân viên vẫn thu tiền bình thường và tiếp tục chiếm dụng các góc đường để giữ xe.
Chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP HCM
Tại cuộc họp với 24 quận - huyện, sở - ngành về công tác tái lập an ninh trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP tổ chức ngày 1-3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu chủ tịch UBND 24 quận - huyện phải cam kết giải quyết cơ bản tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong năm 2017 trên tất cả tuyến đường. Quận - huyện nào không làm được việc này coi như không hoàn thành nhiệm vụ năm 2017. Còn chủ tịch phường, xã để tình trạng như cũ thì mời làm việc khác.
Ngày 24-5, một lần nữa, người đứng đầu chính quyền TP khẳng định không đánh trống bỏ dùi khi lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè tại cuộc họp, nghe báo cáo về tình hình tổ chức lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn TP. "Không làm đến nơi đến chốn là người dân phê bình ngay. Người dân cần những cán bộ nói là làm, nói được làm được chứ không phải nói hay mà làm thì không xong" - ông Phong nhấn mạnh.
Mất 1 năm "thai nghén", quận 1 có phố hàng rong
Ngày 28-8, UBND quận 1, TP HCM đã đưa vào hoạt động "phố hàng rong" trên đường Nguyễn Văn Chiêm nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực đường phố của du khách và người dân. UBND quận 1 cho biết "phố hàng rong" trên đường Nguyễn Văn Chiêm có 20 hộ kinh doanh (trước đây buôn bán trên vỉa hè) mở cửa từ 6-9 giờ và 11-13 giờ mỗi ngày. Các hộ buôn bán tại đây không bị thu một khoản phí nào.
Được biết, quận 1 là địa phương đầu tiên có kế hoạch thực hiện đề án quy hoạch khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường. Lần đầu tiên quận 1 xác nhận việc thực hiện đề án này là tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 3 năm ngoái. Khi ấy, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết mục đích của đề án là nhằm tổ chức, sắp xếp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm để quản lý, hỗ trợ.
Ngoài "phố hàng rong" trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 còn có "phố hàng rong" tại Công viên Bách Tùng Diệp, dự kiến khai trương vào tháng 9 tới.
Kỳ tới: "Phường ngó lơ, tôi phải xuống đường"
Bình luận (0)