Kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 5-7. Lãnh đạo UBND TP đã "gỡ" nút thắt của cử tri và đại biểu (ĐB) về thông tin chính quyền "giành" lại vỉa hè để thu phí.
Dân ủng hộ mới bền vững
Trước đó, nhiều ĐB cho rằng người kinh doanh đang thăm dò cách làm của chính quyền để tái chiếm lòng đường, vỉa hè. Theo ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm, TP đã chỉ đạo rất quyết liệt và tốn nhiều công sức để "giành" lại vỉa hè nhưng tình trạng tái chiếm vẫn diễn ra. Điều này làm cử tri nghi ngờ về chủ trương của TP, đặc biệt là cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự. "TP phải giải thích rõ ràng cũng như tính toán lại mức thu; công khai, minh bạch khi thực hiện và gắn trách nhiệm với từng cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh, tạo sự đồng thuận từ người dân" - bà Trâm nêu.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa (giữa) trao đổi với các đại biểu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè mà không có người dân thực hiện là không bền vững được. "Phải có kế hoạch, từng quý, từng năm chứ đừng ảo tưởng lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trong một ngày, một tháng, một năm" - bà Tâm cảnh báo. Theo Chủ tịch HĐND TP, kế hoạch đó phải đưa ra để dân cùng bàn bạc, thực hiện với chính quyền. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ người dân chưa ý thức được thì việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè sẽ không thành công. Khi người dân đã tự giác, thấy được đó là lợi ích, trách nhiệm của mình thì việc thực hiện mới bền vững.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường thừa nhận bên cạnh những mặt làm được thì vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Nguyên nhân một phần là do lãnh đạo quận, huyện chưa làm quyết liệt, chưa kiểm điểm cấp dưới; nhiều nơi cách làm chưa phù hợp, chưa thuyết phục, nhất là phường - xã để xảy ra tình trạng bao che, tiêu cực.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định: "Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND TP là không làm theo phong trào mà phải kiên trì, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ để chuyển đổi ý thức người dân, trở thành hành vi tự giác trong sử dụng lòng đường, vỉa hè". Theo ông Khoa, chủ trương của TP là tạo sinh kế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội chứ không đẩy đuổi người bán hàng rong.
Về dư luận cho rằng TP "giành" lại vỉa hè để thu phí, ông Khoa nói: "Mục đích của chính sách lập lại trật tự vỉa hè không phải để thu phí mà việc này đã có từ trước. Vì vậy, Sở GTVT trình cho UBND mức phí mới với mong muốn sao cho công bằng hơn vì mức phí hiện nay đã lạc hậu. Tuy nhiên, hiện TP đã tạm dừng, chưa bàn đến tăng phí".
Lo ngại thức ăn đường phố, lén xả chất thải
Chiều cùng ngày, HĐND TP đã báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn năm 2015 và 2016".
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung đưa ra con số báo động khi gần 50% cơ sở qua kiểm tra thì phát hiện vi phạm. "Kiểm tra trên 30.000 cơ sở thì hơn 14.500 cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả trên làm chúng tôi hết sức lo lắng" - ĐB Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định thức ăn đường phố chưa đăng ký kinh doanh còn nhiều, thiếu quy hoạch gây mất trật tự, mỹ quan đô thị; chưa kiểm soát tốt nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng, chất bảo quản. "Rõ ràng an toàn về thực phẩm là rất yếu. Vậy giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?" - bà Tâm đặt vấn đề.
Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan cho biết TP đã thành lập các đội quản lý an toàn thực phẩm, phân về các chợ đầu mối với số lượng lớn và sẽ tổ chức thanh - kiểm tra bất kỳ lúc nào.
Tại buổi thảo luận hội trường, "tư lệnh" ngành môi trường và chống ngập đã giải trình về vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò dù dự án này đã thực hiện gần 10 năm với số vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết kênh Ba Bò không chỉ tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu dân cư ở TP mà chủ yếu là các khu dân cư thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, TP không thể chủ động kiểm soát mà còn phụ thuộc nhiều vào tỉnh Bình Dương. Theo ông Thắng, hiện các nguồn thải chính ra kênh Ba Bò là KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, 6 cụm dân cư tại tỉnh Bình Dương xả thẳng ra kênh chưa qua xử lý. "Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Ba Bò. Tiến độ để xử lý nguồn thải này dự kiến cuối năm 2017 hoàn thành và thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Dương" - ông Thắng cho hay.
Tiếp phần trả lời của ngành môi trường, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công nói ở dự án kênh Ba Bò, TP HCM chịu trách nhiệm xử lý nước thải, còn tỉnh Bình Dương thực hiện thu gom. TP đã xây xong hồ sinh học để xử lý nước ô nhiễm. "Không biết tỉnh Bình Dương xây xong các dự án liên quan chưa nhưng chúng tôi quan sát thì buổi tối, nước kênh Ba Bò đúng là rất đen và hôi. Chúng tôi nghi ngờ có hành vi xả lén nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh" - ông Công nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trách nhiệm của UBND TP là sẽ làm việc với tỉnh Bình Dương để làm rõ nguồn thải vào kênh Ba Bò, xem lại tất cả các cam kết trước đây giữa hai địa phương nhằm bảo đảm hồ sinh học mà TP xây dựng sẽ vận hành an toàn, hiệu quả.
Kết luận vấn đề, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP phối hợp tốt với tỉnh Bình Dương để xử lý hiệu quả.
Ưu tiên di dời hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng
Lần đầu tiên, UBND TP HCM báo cáo chính thức trước HĐND TP về việc quản lý và sử dụng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.
Hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết tổng số cây xanh bị ảnh hưởng là 258, trong đó có 125 cây loại 3 (cổ thụ), gồm: sọ khỉ 112 cây, lim sét 13 cây, tập trung chủ yếu ở đoạn từ đường Lê Duẩn đến giao lộ Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh, phía đường dẫn và đầu cầu ở địa bàn quận 1. Nguyên tắc xử lý, theo ông Cường, là ưu tiên giải pháp di dời, chỉ đốn hạ những cây có chất lượng xấu hoặc khả năng sống thấp sau khi di dời; tạo mảng xanh mới để bù đắp mảng xanh đã bị đốn hạ; sử dụng gỗ thu hồi để chế tạo các sản phẩm công cộng phục vụ người dân… Về phương án xử lý cụ thể, cây loại 1, loại 2 được ưu tiên di dời; cây loại 3 sẽ bị đốn hạ vì không có khả sinh tồn sau khi di dời. Chi phí thực hiện cho phương án này khoảng 7 tỉ đồng. Công tác di dời, đốn hạ cây xanh nói trên không làm đồng loạt mà theo tiến độ thi công các hạng mục cầu Thủ Thiêm 2. Nói thêm về lý do di dời, đốn hạ cây xanh, ông Cường cho biết TP đã tính toán rất kỹ, mời các chuyên gia nghiên cứu, góp ý. Phương án làm hầm là không khả thi vì ở khu vực này đã có đường hầm và ga ngầm tuyến metro số 1, việc thi công phức tạp, chi phí quá lớn, trong khi cây xanh phía trên cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, tổng hợp tất cả ý kiến góp ý, dựa trên tình hình thực tế và cơ sở khoa học, TP quyết định làm cầu.
Bình luận (0)