Chiều 14-12, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố "Báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 - Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững".
Báo cáo này lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.
Quang cảnh buổi lễ công bố
Một vấn đề rút ra từ nghiên cứu là vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP HCM thì vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL. Nhưng 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay.
Góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Di dân là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL. Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP HCM và miền Đông Nam Bộ đáng báo động. So với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 – 2019.
Từ năm 2009-2019, số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL gần 1,1 triệu người, nếu tình trạng này còn duy trì thì trong tương lai, ĐBSCL sẽ thiếu hụt lao động. Ảnh: Ngọc Trinh
Một lưu ý khác được đưa ra từ nghiên cứu, đó là ĐBSCL hiện là "vùng trũng" về đô thị hóa ở Việt Nam. Dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi so với trước đó 10 năm. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào ngày 1-4-2019 là 17,3 triệu người, gần như không đổi so với mức 17,2 triệu người vào 10 năm trước. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Trong khi ĐBSCL chiếm gần 18% dân số của cả nước thì trong giai đoạn 2009-2019, dân số thành thị của vùng chỉ tăng 403.000 người, xấp xỉ 5,3% số tăng dân số thành thị của cả nước.
Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang ngày một giãn ra. Nhìn về tương lai, nếu không có những yếu tố đột biến, rất khó để ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng dân số chung và dân số đô thị cao hơn trong 10 năm tới.
Trên thực tế, dân số của vùng hằng năm giảm 0,3%/năm trong 2 năm gần đây và dân số thành thị chỉ tăng khoảng 0,6%. Nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay, mà khả năng này rất cao, thì đến năm 2030, dân số của vùng còn chưa đến 17 triệu người, và đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa rất khó đạt 30%.
Bình luận (0)