Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ngày 25-12, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã thiết lập sở chỉ huy chỉ đạo ứng phó bão tại huyện Cần Giờ, TP HCM; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thiết lập 2 sở chỉ huy chỉ đạo ứng phó bão tại Sư đoàn Bộ binh 8 (tỉnh Tiền Giang) và Trường Quân sự Quân khu 9 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thành lập 9 đoàn công tác cùng các địa phương kiểm tra phòng chống bão.
Người dân đi trú bão ở Cà Mau Ảnh: Quốc Chiến
TP HCM: Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, địa phương đã chuẩn bị lương thực, nước sạch, nhu yếu phẩm và các thiết bị khác để phục vụ khoảng 5.000 người dân. Hơn 200 hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng của bão đã vào các trường học trú ẩn tạm thời.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Chiều 25-12, tỉnh này có công văn hỏa tốc gửi các địa phương trong tỉnh, chỉ đạo về việc tạm ngưng hoạt động di dời dân để phòng tránh bão số 16. Những vùng nguy hiểm như cửa sông, cửa biển vẫn phải tiếp tục di dân đến nơi an toàn để tránh bão.
Tại Côn Đảo, đến khoảng 20 giờ, bắt đầu có mưa to, gió lớn, sóng cao. Dù bão không đổ bộ trực tiếp nhưng Côn Đảo vẫn chịu ảnh hưởng. Theo phương án từ trước, trong ngày, hơn 2.000 dân đã được sơ tán đến những điểm an toàn.
Cần Thơ: UBND TP Cần Thơ có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và công ty, doanh nghiệp cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con nhỏ được nghỉ làm việc từ chiều 25 đến hết ngày 26-12.
Trà Vinh: Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đã ký văn bản cho cán bộ, nhân viên được nghỉ từ chiều 25 đến hết ngày 26-12 để cùng gia đình ứng phó bão. Trong ngày 25-12, có hơn 3.000 người trong tổng số hơn 17.300 người dân được xác định cần di dời.
Kiên Giang: Chính quyền huyện Phú Quốc đã di dời hơn 1.900 người, sơ tán tại chỗ 2.087 người, có hơn 2.500 ngôi nhà được chằng chống, đã kêu gọi hơn 2.740 tàu thuyền về nơi neo đậu; đã di dời được 260 lồng bè nuôi cá của người dân.
Bình luận (0)