Đến 23 giờ 30 phút ngày 25-12, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động vẫn túc trực tại Cà Mau và nhiều tỉnh, thành miền Tây - khu vực chịu ảnh hưởng từ bão số 16 (Tembin), để tường thuật thông tin mới nhất gửi đến bạn đọc.
Sơ tán để bảo vệ tính mạng cho con
Khuya 25-12, Cà Mau trở lạnh, có mưa nhỏ. Hơn 100.000 dân ở vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão.
Cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) là nơi dễ bị thiệt hại nhất ở tỉnh Cà Mau khi bão đến vì nơi đây còn nhiều nhà ở tạm bợ. 20 năm trước, đây cũng là một trong những nơi tâm bão Linda (bão số 5, năm 1997), gây thiệt hại rất nặng nề cả người lẫn tài sản.
Mặc dù đã nghe thông tin bão đi chệch hướng và yếu dần song rút kinh nghiệm của cơn bão Linda, người dân và chính quyền địa phương không một chút lơ là. Đến tối cùng ngày, trong số hàng trăm người dân được sơ tán về khu hành chính của huyện Ngọc Hiển để tránh bão, không một ai bỏ về. Họ quyết định phải chờ cho đến khi bão đi qua hẳn mới về nhà.
Ôm con gái 15 ngày tuổi tránh bão tại trụ sở Huyện ủy Ngọc Hiển, chị Nguyễn Thị Ngọc đau đáu nhìn về hướng căn nhà lá nhỏ ven sông. "Muốn ở lại giữ nhà nhưng con gái còn nhỏ quá, phải đi để bảo vệ tính mạng cho con. Chứ mình đi rồi không biết khi bão xong, trở về có còn nhà nữa không" - chị Ngọc nói, giọng lo âu.
Người dân ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau dùng bao cát bảo vệ mái nhà trước cơn bão Ảnh: DUY NHÂN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân ven biển Bạc Liêu đang trú tránh bão Ảnh: CÔNG TUẤN
Buổi chiều, nghe dự báo bão lệch hướng, ít gây nguy hiểm, ông Nguyễn Văn Chiến (58 tuổi, có nhà ở gần cửa biển Rạch Gốc) định quay về nhưng ký ức về cơn bão Linda 1997 đã níu chân ông ở lại.
"Hồi đó cũng vì chủ quan mà bản thân tôi cũng như nhiều người dân ở đây phải trả giá đắt. Nghe vậy nhưng thiên tai biết đâu mà lường, ở thêm một hai ngày cũng có sao, đâu nhất thiết phải đem tính mạng mình ra cược" - ông Chiến nói.
Tại chợ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, sáng cùng ngày, người dân mua lương thực dự trữ rất đông, đến trưa chợ đã vắng tanh vì "cháy" hàng. "Tôi chưa từng thấy người ta chen chúc đi chợ đông như vậy, còn hơn chợ Tết. Họ chủ yếu mua mì gói, thực phẩm khô và rau củ. Các tiệm bán bạt cao su, bao bì, dây kẽm là đắt hàng nhất; có tiệm một buổi bán trên trăm triệu đồng. Bao nhiêu đó đủ thấy người dân ở đây sợ bão đến mức nào rồi" - anh Nguyễn Thanh Nhàn, chủ tiệm tạp hóa Thanh Nhàn, cho biết.
Không được lơ là, chủ quan
Làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều tối 25-12, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết đến 17 giờ, các ngành chức năng đã kiểm đếm 3.465 tàu công suất 20CV trở lên với trên 22.000 người, trong đó kêu gọi được 3.320 tàu với trên 21.000 người vào trú tránh bão an toàn. Hiện có hàng trăm tàu đang tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng như người dân không được chủ quan, lơ là trước công tác ứng phó với bão.
Cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại tỉnh Bạc Liêu và khu vực ven biển của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã có 13.000 hộ dân sống ngoài đê biển, đê sông được di dời đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung thống kê toàn tỉnh đã di dời hơn 350.000 người dân sống tại các khu vực ven biển; 100% ngư dân và tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương khẩn trương di dời những phương tiện tàu cá nhỏ đang neo đậu trên sông vào bờ để tránh thiệt hại khi bão đổ bộ. Bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, không để người dân thiếu đói trong và sau cơn bão.
Nam Bộ mưa rất to suốt 2-3 ngày
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo đến 4 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão số 16 nằm ngay trên phía Tây Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển khoảng 20 km/giờ. Đến 16 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ vĩ Bắc; 103,4 độ kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 11. Từ đêm 25-12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày.
Nhà giàn DK1 chống chọi với bão dữ
Bão số 16 đã làm tốc mái 4 nhà, đổ gãy 14 cột đèn, cột viễn thông, 1 quạt gió phát điện, 95 ụ chống đổ bộ, 69 tấm pin mặt trời... ở quần đảo Trường Sa. Chiều 25-12, trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho hay đến giờ phút này, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, người dân đều an toàn.
Trong hệ thống 15 nhà giàn DK1, nhà giàn Huyền Trân (DK1/7) trúng vệt bão đi qua. Đến chiều 25-12, sóng cao trung bình từ 6-7 m. Nhà giàn hư hỏng một số lan can cầu thang và những tấm pin năng lượng mặt trời bị gió biển giật xuống biển. Hiện cán bộ, chiến sĩ tổ chức dọn vệ sinh và học tập, công tác bình thường. Còn thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên Tiểu đoàn DK1, cho biết ngoài nhà giàn Huyền Trân, nhà giàn DK1/18, DK1/15, DK1/15 lan can cũng bị hư hỏng nặng.
Bình luận (0)