Ngày 11-6, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đang tổng hợp các phương án cuộc thi "Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối thượng thành" để báo cáo UBND tỉnh. Trước đó, đơn vị này đã tổ chức trao giải nhất cho tác giải Nguyễn Minh Anh (Hà Nội), với phương án MA179; trao giải nhì, giải ba cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo kiến trúc công cộng dành cho người đi bộ, có tính hài hoà về mặt tổng thể, tạo nên sự thuận lợi và an toàn cho du khách, người tham gia giao thông từ bến xe Nguyễn Hoàng vào đến khu vực Kinh thành Huế. Ban tổ chức đưa ra yêu cầu thiết kế và tiêu chí đánh giá, gồm ý tưởng và giải pháp độc đáo nhằm tạo dựng được một kiến trúc phù hợp với không gian di sản, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hoá.
Cửa Thể Nhơn (tức cửa Ngăn) - nơi có lưu lượng du khách vào ra tham quan Đại nội Huế đông đúc nên xảy ra xung đột giao thông.
Hộ Thành hào là hào nước được triều Nguyễn sử dụng để bảo vệ Kinh thành Huế; thượng thành – nơi đơn vị này tổ chức ý tưởng thiết kế cầu vượt Hộ Thành hòa là vòng thành ngoài cùng trong 3 vòng thành của Kinh thành Huế. Đây là một trong những kiến trúc thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993.
Vì vậy, khi Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế công bố kết quả cuộc thi, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân lo lắng vì nếu ý tưởng được hiện thực hóa sẽ ảnh hưởng đến di sản.
Ông Trung khẳng định rằng đây là cuộc thi lấy ý tưởng nhằm ứng xử trước một vấn đề xã hội; lấy ý kiến người dân, đặt ra một vấn đề của tỉnh trong một giai đoạn phát triển sắp tới để hạn chế khó khăn trong tương lai. Còn việc hiện thực hóa các ý tưởng hay không phải dựa vào những quy định, luật.
Các ý tưởng tham gia cuộc thi được triển lãm.
"Cấp nào công nhận di sản thì muốn làm gì ở trong khu vực 1 đều phải có ý kiến của họ. Cuộc thi nhằm gạn lọc cái hay, đẹp, phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền. Chừng nào các cơ quan như UBND tỉnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Chính phủ và cuối cùng là UNESCO có ý kiến chính thức bằng văn bản, sau đó tiếp tục lấy ý kiến người dân thì mới làm chứ không phải dễ dàng đi xâm phạm di tích, di sản" – ông Trung khẳng định thêm.
Cống Cầu Kho
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, nói rằng nếu như du khách vào tham quan Đại nội Huế tăng lên 3 lần thì xung đột giao thông ở Cửa Ngăn rất lớn. Ông cũng cho biết từ nhiều năm trước, tỉnh đã bắt đầu tìm các phương án giảm thiểu xung đột, tiện ích nhất cho du khách, cư dân địa phương, không ảnh hưởng đến di sản.
Cống Cầu Kho từng được tỉnh Thừa Thừa - Huế dự tính làm thêm một cây cầu tương tự để giảm thiểu ách tắc giao thông nhưng bị UNESCO bác.
Đó là các giải pháp như xây thêm cầu song song qua cầu cửa Ngăn, trong cửa Ngăn có đèn tín hiệu giao thông phân luồng để không xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, có ý tưởng táo bạo như đục xuyên tường thành mở lối đi song song vào kinh thành nhưng không được vì Luật Di sản không cho phép. "Cách đây 6-7 năm chuyện ách tắc giao thông ở cống Cầu Kho, dân phải đi vòng. Tỉnh có quyết định nghiên cứu mở rộng cống Vĩnh Lợi và Cầu Kho cho bằng con đường với kiểu dáng, kiến trúc giống nhau. Tỉnh đã bố trí vốn thực hiện nhưng UNESCO bác ngay tức khắc với lý giải rằng đó là những công trình đạt đỉnh cao nghệ thuật làm cầu cống vào thời điểm này, Luật Di sản chúng ta không được đụng vào" – ông Cao kể.
Ông Cao cũng lấy ví dụ Di sản thế giới Thung lũng Elbe ở thành phố Dresden (Đức) bị UNESCO rút ra khỏi danh sách di sản thế giới vào năm 2009 do làm cầu qua sông Eibe để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thừa Thiên – Huế đang trăn trở nên tìm cách giải quyết những xung đột trong phát triển và bảo tồn, trong đó đưa ra cuộc thi ý tưởng này. Đây có thể là ý tưởng sơ khởi làm cầu từ bến xe Nguyễn Hoàng, qua Hộ Thành hào, lên thượng thành vào thành nội.
Bình luận (0)