Chiều 1-11, chốt lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV, trong 45 phút phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu (ĐB) QH.
"Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của QH, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước" - Thủ tướng nói.
Luôn nuôi dưỡng khát vọng
Thủ tướng cũng cảm ơn những ý kiến thảo luận, chất vấn tại QH đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.
Thủ tướng cho biết mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm; riêng năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD, nay đã tăng lên gần 2.540 USD; khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp ngày 1-11 Ảnh: VĂN DUẨN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhìn lại chặng đường đổi mới hơn 30 năm qua, không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn là giúp chúng ta định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa. Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn.
"Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc" - người đứng đầu Chính phủ nói.
Nói về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng "điều này đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không biết nắm bắt cơ hội hoặc vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa".
Chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh"
Trong bài phát biểu của mình trước QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Do đó, hơn lúc nào hết, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật - kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị. Chúng ta đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tôi xin nêu một ví dụ, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định" - Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu sửa Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) về việc lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá của ĐBQH với các thành viên Chính phủ có số phiếu cao thấp khác nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von: Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn nhưng đều nằm trên cổ tay. Và bàn tay đó chụm lại chính là sự đoàn kết trong Chính phủ với 30 Ủy viên BCH Trung ương Đảng, 6 Ủy viên Bộ Chính trị. "Có một câu nói "trăm dâu đổ đầu tằm" - Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
"Cán bộ phải sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ. Nếu không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp" - Thủ tướng lưu ý.
Không hợp thức hóa cái sai
Trả lời chất vấn của ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về việc thực hiện kết luận thanh tra về quản lý đất đai của TP Đà Nẵng đã được ban hành nhiều năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết TP Đà Nẵng đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện hầu hết các nội dung trong kết luận thanh tra, trong đó tập trung khắc phục các sai phạm xảy ra. Còn 2 vấn đề vướng mắc: Thứ nhất, xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái pháp luật. Thứ 2, thu hồi về nhà nước khoản tiền 10% mà thành phố đã giảm trái quy định.
"Vấn đề cơ bản của 2 việc này là Đà Nẵng đều làm trái luật, tất nhiên là từ nhiều năm trước, không phải các đồng chí đương chức. Nguyên tắc đã sai là phải khắc phục, pháp luật không cho phép chúng ta hợp thức hóa cái sai" - người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.
Theo Thủ tướng, ngày 20-7-2018, Phó Thủ tướng họp với các bộ, ngành, thống nhất giao Thanh tra Chính phủ cùng TP Đà Nẵng rà soát, phân loại từng trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các trường hợp được miễn giảm tiền sử dụng đất trái pháp luật để có biện pháp phù hợp đối với từng trường hợp, trên tinh thần không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.
"Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tổng cộng đã có 135 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt ý kiến tranh luận. Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Có 19 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.
"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện thái độ trách nhiệm của QH trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri quan tâm" - Chủ tịch QH nói và đề nghị Chính phủ, các bộ - ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu.
Bình luận (0)