Ðề xuất thí điểm phủ xe điện toàn huyện Cần Giờ được ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, thông tin hồi cuối tháng 4 vừa rồi. Ðề xuất này sẽ thuận lợi khi có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với cơ chế mới cho TP HCM.
Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi
Theo ông Lâm, khi Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì các sở, ngành sẽ xây dựng kế hoạch, trình HÐND TP HCM quyết định chính sách chi ngân sách hỗ trợ thu mua, chuyển đổi phương tiện cho người dân từ năng lượng hóa thạch sang xe điện. Trong đó, Sở GTVT đề xuất nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực trong thành phố như sân bay Tân Sơn Nhất. Kế đến, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi taxi, xe buýt, ôtô mua sắm công của các cơ quan nhà nước sang xe điện.
Xe buýt điện tuyến D4 của Vinbus được hành khách ủng hộ. Ảnh: THU HỒNG
"Theo phương án mà Sở GTVT dự kiến, khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại Mỹ Khánh sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ được gửi lại tại đây. Sau đó, sẽ có xe điện trung chuyển vào tất cả các nơi của huyện Cần Giờ" - ông Lâm thông tin. Theo ông, sở dĩ chọn huyện Cần Giờ để thí điểm phủ xe điện là do đây là địa bàn chỉ có hơn 80.000 dân, dân cư ít so với các địa phương khác nên khi triển khai sẽ dễ thực hiện hơn.
Nói thêm về đề xuất, ông Ðỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, cho rằng thời gian chuyển đổi phương tiện xanh theo yêu cầu của Chính phủ không còn dài. Cụ thể, lộ trình Chính phủ đặt ra là từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỉ lệ vận tải hành khách công cộng tại TP HCM đạt 25%; từ năm 2030, tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%, 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Theo đó, ngoài kế hoạch riêng cho huyện Cần Giờ, TP HCM cũng khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị vận tải tham gia phát triển phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch.
Huyện Cần Giờ với dân cư ít, thích hợp triển khai xe điện trên toàn huyện để gìn giữ lá phổi xanh của TP HCM .Ảnh: QUỐC ANH
Tháng 3-2022, tuyến buýt điện D4 (Bến xe buýt Sài Gòn - Vinhomes Grand Park) được Vinbus đưa vào vận hành, 3 tuyến còn lại đang được sở đôn đốc, đề nghị nhà đầu tư sớm đưa vào khai thác như kế hoạch cuối năm 2023. Mới đây, Ðề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lương điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TP HCM được Công ty TNHH Saigon Public Transport - đơn vị đề xuất hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung để trình UBND TP HCM thông qua. Nếu thuận lợi, trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều xe điện hoạt động ở trung tâm thành phố.
"Ðể khuyến khích, phát triển hơn các loại hình xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch thì cần phải xây dựng cơ chế, chính sách, chẳng hạn như sớm có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế khuyến khích đầu tư trạm sạc, xây dựng nơi bảo trì hoặc chính sách hỗ trợ khi người dân mua sắm xe điện hoặc đổi xe đang đi sang sử dụng xe điện. Những việc này sẽ được thành phố nghiên cứu kỹ trước khi triển khai" - ông Hải cho hay.
Ðúng hướng, cần ưu tiên thực hiện
Nhận định đề xuất phủ xe điện toàn huyện Cần Giờ rất cần thiết, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học GTVT TP HCM, cho rằng việc đó thuận với xu hướng tất yếu của thế giới. Hiện nay, các nước châu Âu và Mỹ đã triển khai chính sách hỗ trợ tiền để người dân chuyển đổi phương tiện từ năng lượng hóa thạch sang điện. TP HCM đi tiên phong trong việc chuyển đổi năng lượng sạch rất đáng hoan nghênh, chưa kể chọn huyện Cần Giờ để thực hiện trước là ý tưởng tốt. "Việc phủ xanh xe điện toàn huyện Cần Giờ tạo thêm điều kiện để gìn giữ lá phổi xanh của thành phố" - PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, việc dần chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp người dân ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời khuyên khi làm là phải triệt để nên TP HCM cần có chính sách hỗ trợ người dân một cách cụ thể. Song song đó, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu và đồng hành.
Phương tiện chuẩn bị cho “Ðề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lương điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TP HCM”.Ảnh: THU HỒNG
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP HCM, cũng nhận xét phủ xe điện toàn huyện Cần Giờ là ý tưởng khả thi nhất. Ông nói nhiều năm nay TP HCM luôn mong muốn phát triển giao thông xanh nhằm giảm ô nhiễm môi trường, chung tay giảm phát thải, hạn chế ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ðiển hình cho mong muốn này là TP HCM hỗ trợ các đơn vị vận tải chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang sử dụng năng lượng sạch CNG; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện và đầu năm 2022 đưa vào vận hành tuyến D4 của Vinbus; phát triển xe đạp công cộng và mới đây 500 taxi điện của Công ty CP Di chuyển xanh và Thông minh đưa vào hoạt động tại TP HCM là tín hiệu vui cho thành phố khi lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng. "Với ý tưởng lần này, TP HCM cần nghiên cứu kỹ để xây dựng chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện mới, làm sao hiệu quả, công bằng, minh bạch. Vì vậy, thành phố cần khảo sát để đầu tư hệ thống trạm sạc thuận tiện nhất là việc không thể xem nhẹ" - ông Lê Trung Tính phân tích.
Ủng hộ đề xuất phủ xe điện toàn huyện Cần Giờ, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm vào 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Với định hướng này, dù nhà nước hay tư nhân, nếu đầu tư phát triển năng lượng sạch đều cần khuyến khích, Việt Nam rất phù hợp phát triển năng lượng sạch, nhất là khu vực phía Nam. "Tôi ủng hộ đề xuất của Sở GTVT phủ xe điện toàn huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, khi triển khai cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia" - TS Phạm Viết Thuận nói.
Gấp rút triển khai 200 xe điện 4 bánh
Thông tin về tiến độ "Ðề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lương điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TP HCM", đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport cho biết đang bổ sung thêm họa tiết cho phương tiện nhằm tăng khả năng nhận diện cho TP HCM. Sau khi hoàn chỉnh, đơn vị sẽ trình UBND TP HCM phê duyệt.
Theo kế hoạch, đề án sẽ triển khai 200 xe điện 4 bánh từ 5 - 14 chỗ phục vụ nhu cầu đi lại của du khách từ nơi lưu trú đến các điểm tham quan, giải trí, các trung tâm thương mại, di tích lịch sử, văn hóa... Phương tiện sẽ hoạt động toàn thời gian, tùy theo nhu cầu đi lại của hành khách.
Ðề án chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai trong năm 2023. Giai đoạn 2, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, đưa thêm 130 xe vào hoạt động, vận chuyển 1.950 chuyến/ngày, mở rộng vùng hoạt động từ quận 1 đến Bến Nhà Rồng và các khu vực khác trên địa bàn TP HCM. Tổng mức đầu tư khoảng 107 tỉ đồng. Giá vé dự kiến từ 10.000 - 20.000 đồng/vé lên, xuống và từ 50.000 đến 150.000 đồng đối với khách thuê chuyến.
Về hình thức đặt xe, hành khách có thể đặt lịch di chuyển qua app khi có nhu cầu sử dụng. Nhân viên vận hành sẽ sắp xếp lộ trình, tổ chức chuyến xe để kết hợp các nhu cầu khách cùng một chuyến đi.
Bình luận (0)