xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khai thác lợi thế của đồng bằng

Bài và ảnh: THANH NHÂN

TP HCM không ngừng hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL nâng tầm sản phẩm đặc trưng của từng địa phương thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại

Đó là đánh giá của các đại biểu dự hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra tháng 3-2023.

Nhiều đột phá, nhiều tiềm năng

Thực tế, các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã được triển khai mạnh mẽ từ hơn 10 năm nay.

Sự bắt tay liên kết giữa TP HCM - hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - với vựa lúa/nông sản lớn của miền Nam đã dẫn đến nhiều đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho nông sản, cung ứng nguồn hàng với giá cả ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế. 

Nhờ sự đồng thuận và thống nhất cao của các địa phương, những chương trình liên kết xây dựng các chuỗi cung ứng, liên kết bình ổn thị trường, liên kết phát triển mạng lưới phân phối, kết nối cung - cầu, hợp tác phát triển thương mại… giữa TP HCM và khu vực này đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại.

Khai thác lợi thế của đồng bằng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tham quan các gian hàng tại hội nghị kết nối giao thương giữa TP HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL

Là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn của TP HCM sớm đầu tư mở rộng mạng lưới tại ĐBSCL từ năm 2004, đến nay, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã phát triển thành công 30 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, 23 cửa hàng và 1 trung tâm phân phối ở khu vực này. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết doanh thu năm 2022 tại ĐBSCL của đơn vị tăng gần 100 lần so với năm 2004, đạt xấp xỉ 5.700 tỉ đồng.

Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại ĐBSCL, tổng sản lượng hơn 43.000 tấn/năm, doanh thu trên 1.500 tỉ đồng. "ĐBSCL còn nhiều tiềm năng phát triển các vùng nguyên liệu nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng cao. Đây là nguồn cung cấp hàng hóa trọng yếu cho thị trường TP HCM và cả nước cũng như xuất khẩu" - ông Đức nhận xét.

Khai thác lợi thế của đồng bằng - Ảnh 2.

Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cùng các doanh nghiệp ĐBSCL bàn hướng kết nối, nâng cao giá trị sản phẩm

Với đặc thù sản xuất - kinh doanh trứng gia cầm, Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt cũng gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành miền Tây. "Vĩnh Thành Đạt đã tham gia hỗ trợ Đồng Tháp phát triển mô hình chăn nuôi vịt trên cạn (nuôi rọ), chia sẻ các kinh nghiệm chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Công ty cũng mở 1 chi nhánh ở miền Tây để phụ trách thu mua nguyên liệu, sản xuất các mặt hàng trứng chế biến để phân phối cho các siêu thị ở khu vực này" - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty, cho biết.

Theo ông Thiện, gần đây, giao thông giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã cải thiện. Công ty sẽ mở rộng hơn nữa thị trường miền Tây trong thời gian tới, nhất là khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cần Thơ - Hà Tiên triển khai.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá một trong những hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố với các địa phương ĐBSCL phát huy hiệu quả nhất là chương trình kết nối cung cầu hàng hóa. Các chương trình kết nối đã tạo nên mối quan hệ thân thiết, tích cực hơn, từ đó hỗ trợ, chia sẻ, phát huy các lợi thế để triển khai những giải pháp tốt nhất.

Ông Phương cho rằng hiệu quả của sự hợp tác này rất rõ ràng, giúp chi phí của hai bên giảm đáng kể. Các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN TP HCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cả khu vực.

Ở chiều ngược lại, TP HCM đã kết nối nhiều hệ thống phân phối, nhà mua hàng lớn của thành phố với các nhà cung cấp uy tín, thu mua nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các HTX...

Thêm những kế hoạch lớn

Để nâng tầm kết nối, phát huy hiệu quả, tại hội nghị nêu trên, TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký thỏa thuận hợp tác từ nay đến năm 2025. Thỏa thuận này nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể.

TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng thống nhất hợp tác phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại. Theo đó, TP HCM sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành đầu tư xây dựng một số trung tâm đầu mối để chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, vùng sinh thái địa phương; hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành tại TP HCM, thành lập các hệ thống siêu thị tại khu vực ĐBSCL... Qua đó, nâng cao giá trị, nâng tầm sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Thực hiện thỏa thuận trên, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh thời gian tới, chính quyền TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL thống nhất sẽ phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Trong đó, Sở Công Thương TP HCM sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tất cả những thông tin, yêu cầu của hệ thống phân phối. Sở Công Thương các tỉnh, thành phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, hướng dẫn người dân và các nhà cung cấp tính toán điều chỉnh hoạt động sản xuất tiệm cận với yêu cầu của thị trường TP HCM.

"Hoạt động kết nối sẽ được tổ chức thường xuyên, liên tục, chuyên sâu nhằm giảm thiểu chi phí cho nhà sản xuất lẫn nhà phân phối" - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhìn nhận những năm qua, tinh thần phát huy sức mạnh nội lực của từng địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình của TP HCM trên mọi lĩnh vực, trong đó có xúc tiến thương mại, đã tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp cận với nhiều DN, nhà phân phối, thâm nhập các kênh phân phối hiện đại. Ông đề nghị các bên tiếp tục có những kế hoạch lớn để giải quyết đầu ra cho nông sản và sản phẩm chế biến của các địa phương; tạo cơ hội cho hoạt động quảng bá, xuất khẩu hàng hóa đặc trưng của địa phương ra thị trường nước ngoài ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác và phát huy sức mạnh kinh tế vùng, nhất thiết phải hình thành cơ sở dữ liệu chung giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung, Đồng Tháp nói riêng, từ đó tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.

Ở góc độ TP HCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Công Thương TP HCM tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương... 

"Chỉ riêng hoạt động cung - cầu hàng hóa, đến nay, TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã hỗ trợ các DN kết nối thành công hơn 4.300 hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 7.000 tỉ đồng/năm.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA): Phân vai cụ thể

Để nâng hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, rất cần giải quyết bài toán logistics nhằm giảm chi phí, đi vào chế biến sâu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm.

Phải có quy hoạch vùng, trong đó TP HCM giữ vai trò đầu tàu và phân vai cụ thể cho từng tỉnh, thành. Mỗi địa phương phải phối hợp đồng đều, thực hiện chỉn chu vai trò của mình, bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện các đầu việc cụ thể. Trong quá trình đó, phải chỉ ra được những hạt nhân nòng cốt, những DN đầu đàn tham gia giải quyết bài toán về thị trường nội địa, xuất khẩu, logistics... và đặt hàng DN cùng tham gia.

Ông ĐINH QUANG KHÔI, Giám đốc marketing MM MEGA MARKET VIỆT NAM: Sớm giải quyết vấn đề mặt bằng

Nhiều hệ thống phân phối lớn đang có nhu cầu đầu tư về các tỉnh, thành, đặc biệt là khu vực miền Tây, nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ tại từng địa phương tiếp cận, tham gia kênh phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, các DN đang gặp trở ngại lớn trong việc tìm kiếm mặt bằng. Các DN có nhu cầu trực tiếp làm việc, thuê mặt bằng với chính quyền địa phương để có chi phí phù hợp, an toàn hơn về mặt pháp lý. Thế nhưng, quá trình từ lúc xác định được mặt bằng đến khi hoàn tất thủ tục, giấy tờ cần thiết để xúc tiến mở điểm bán kéo dài ít nhất 2-3 năm khiến không ít DN chùn bước. Việc này, cần khắc phục sớm nhất có thể.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo