Ngày 6-7, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM phối hợp Sở Du lịch tổ chức Hội thảo phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2025.
Nhận diện lực cản
Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH DV Thuyền buồm Đông Dương, cho rằng giao thông thủy có vai trò quan trọng cho sự phát triển du lịch của TP HCM nhưng khi thực hiện nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó.
Ông An Sơn Lâm phân tích chi phí đầu tư tàu thuyền của các DN không nhỏ nhưng khi thành phố đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 2 thì nhiều tàu du lịch cỡ lớn không qua được vì tĩnh không cầu hạn chế. Sắp tới, khi thành phố xây dựng các cây cầu trên sông Sài Gòn như cầu Thủ Thiêm 4 thì cần lưu ý độ tĩnh không để DN an tâm đầu tư.
Ngoài độ tĩnh không cầu, ông Lâm cũng kiến nghị thành phố nên quy hoạch công viên bến Bạch Đằng là điểm nhấn "trên bến dưới thuyền" như thời gian dài trước đây. Còn như hiện nay, ngành chức năng sắp xếp lại các cầu tàu, hạn chế tàu neo đậu mà nếu không có neo đậu thì mất đi nét đẹp của bến.
Hành khách thích thú tham quan sông Sài Gòn bằng tuyến buýt sông số 1. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Là DN khai thác tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn, cho rằng tài chính và năng lực của nhà đầu tư không thiếu nhưng lại thiếu sự phối hợp quyết liệt khi triển khai các quy hoạch, đề án từ các sở, ngành. Ông đề xuất các sở GTVT, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện quy hoạch xây dựng bến bãi cần có sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn hơn nữa.
Ở hướng tiếp cận khác, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Sài Gòn Waterbus - đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1, ví von giống như hệ thống xe buýt cần có nhiều trạm để đón khách thì vận tải đường thủy cũng nên mở nhiều bến để phát triển các lộ trình tuyến rộng khắp.
"DN gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục thuê đất làm bến bãi, dự án tuyến buýt sông số 1 thực hiện từ năm 2010 đến nay nhưng các thủ tục về đất vẫn chưa xong. Do đó, thành phố cần sớm hoàn tất quy hoạch bến bãi để DN được tham gia đầu tư hạ tầng phát triển tuyến vận tải thủy" - ông Toản đề xuất.
Một số DN cũng có ý kiến thành phố nên có cơ chế thoáng hơn khi xây dựng bến bãi, không thể vì chờ quy hoạch quá lâu mà làm cản trở sự phát triển của giao thông thủy.
Chìa khóa mở hướng phát triển
Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống giao thông thủy tại TP HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, dẫn chứng lịch sử phát triển các đô thị trên thế giới cho thấy các đô thị hiện đại chủ yếu nằm dọc sông. Việt Nam cũng vậy, nếu tận dụng được tiềm năng đường thủy sẽ có những đột phá về giao thông, kinh tế - xã hội.
Riêng TP HCM có gần 1.000 km đường thủy địa phương và quốc gia cùng vô số kênh thủy lợi, kênh thoát nước, luồng tuyến có sẵn, chỉ cần bảo đảm các điều kiện về quy hoạch, pháp lý thì sẽ cởi trói cho giao thông thủy.
Khó khăn lớn nhất trong phát triển vận tải đường thủy, theo ông An, là quy hoạch.
Để gỡ vướng và không phải chờ quá lâu đồ án quy hoạch chung của thành phố, thành phố đã đồng ý vị trí 411 bến thủy nội địa trải đều ở TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Hiện nay các địa phương đang cập nhật các vị trí này vào quy hoạch phân khu. Sau này, khi có đồ án quy hoạch chung thành phố sẽ bổ sung các vị trí này vào sau.
Phó Giám đốc Sở GTVT kỳ vọng Nghị quyết số 98/2023 Quốc hội vừa thông qua sẽ giúp TP HCM gỡ khó, phát triển giao thông thủy mạnh mẽ hơn, tương xứng hơn.
Về độ tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, ông Bùi Hòa An cho biết sẽ lưu ý đề xuất khi xây dựng dự án. Riêng quy hoạch công viên bến Bạch Đằng sẽ bảo đảm bến Bạch Đằng văn minh, hiện đại, "trên bến dưới thuyền".
Theo đó, Sở GTVT đã khảo sát và đang xin ý kiến UBND TP HCM bố trí 15 vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn, từ TP Thủ Đức về đến quận 7.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ với lợi thế hệ thống kênh rạch nằm ngay trung tâm thành phố, lại có nhiều điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử như Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, địa đạo bến Đình, bến Dược - Củ Chi, những khu du lịch thuộc huyện Cần Giờ... TP HCM thời gian qua thu hút nhiều du khách tới.
Để du lịch thủy phát triển mạnh mẽ hơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch nói các sở, ngành sẽ cùng nhau phối hợp chặt chẽ, giải quyết các vướng mắc, sớm đưa vào vận hành các bến thủy nội địa như quy hoạch đề ra.
Mở thêm 5 tuyến du lịch thủy
Năm tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch sẽ được mở và đều dự kiến hoàn thành trước năm 2025. Cụ thể, tuyến Bạch Đằng đi quận 7, Nhà Bè; tuyến Thanh Đa, Bình Quới; tuyến Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi; tuyến vận tải du lịch từ TP HCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tuyến phà biển Cần Giờ, TP HCM đi Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Những tuyến này có chiều dài lần lượt là 13 km, 10 km, 79 km, 225 km và 12 km.
Ngoài ra, tại Cần Giờ sẽ đầu tư đưa vào khai thác 12 vị trí neo đậu phương tiện thủy phục vụ hành khách trên các tuyến sông.
Bình luận (0)