Cải cách hành chính (CCHC) là chủ trương lớn của Chính phủ; cũng là mệnh lệnh sống còn đối với nền hành chính nước nhà, trong đó có TP HCM. Chính vì lẽ đó, chính quyền TP HCM chọn năm 2019 làm "Năm đột phá thực hiện CCHC".
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ba năm, nhiều kết quả
Thực ra, Đảng bộ, chính quyền TP HCM từng chọn "năm CCHC" trong giai đoạn 2001-2010, đã đóng góp nhiều mô hình, cách làm hiệu quả giúp Chính phủ nhân rộng ra cả nước. Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ IX (giai đoạn 2011-2015) đề ra 6 chương trình hành động đột phá, trong đó có 2 đột phá: CCHC và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đến Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ X (giai đoạn 2016-2020) tiếp tục đề ra 7 chương trình hành động đột phá, trong đó, CCHC và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được tập trung chỉ đạo và nhất là năm 2019 được chọn là "Năm CCHC và thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội". Điều đó thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP HCM đối với sự sáng tạo, năng động, đổi mới nhiều mặt, nhất là về CCHC nhằm xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong 3 năm qua, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội X về công tác CCHC, TP HCM đã đạt nhiều kết quả đáng kể: có 1.793 thủ tục hành chính được áp dụng; cấp 23.300 hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức (CBCC); dịch vụ công trực tuyến có tỉ lệ sử dụng đạt 41%; cấp giấy chứng nhận đăng ký văn bản điện tử: 20 đơn vị TP, 24 quận - huyện, áp dụng chữ ký điện tử và liên thông gần 24 triệu văn bản điện tử; gửi thư mời họp, hoãn họp qua email, tin nhắn... đã tiết kiệm chi hành chính hàng tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, 100% đơn vị tổ chức tiếp nhận, trả kết quả theo mô hình "một cửa" "một cửa liên thông", chỉ đạo các đơn vị phải có thư xin lỗi do thủ trưởng ký khi hồ sơ trễ hẹn và xử lý trách nhiệm cá nhân. Chính quyền TP cũng đã tổ chức điều tra xã hội học và nhiều hình thức để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các lĩnh vực dịch vụ hành chính công; đào tạo, bồi dưỡng gần 27.000 lượt CBCC; thực hiện nghiêm túc quy định về "quy tắc ứng xử của CBCC-VC" nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Ông LÊ HOÀI TRUNG
Vẫn còn điểm nghẽn
Từng là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TP HCM từ năm 2011- 2017, tôi thấy rằng ngoài những kết quả quan trọng đạt được, công tác CCHC của TP HCM vẫn còn "điểm nghẽn", cần nhận diện đúng để đề ra giải pháp khắc phục:
Có nhiều nơi, nhận thức của các cấp, các ngành ở mỗi cơ quan, đơn vị, CBCC, nhất là người đứng đầu về nhiệm vụ CCHC, chưa đầy đủ và triển khai thực hiện chưa đồng bộ, theo 6 nội dung cải cách: thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy, đội ngũ CBCC- viên chức (VC), tài chính công, hiện đại hóa hành chính.
Đánh giá hiệu quả CCHC phải mang tính định lượng: về kinh tế - xã hội, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp,... cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, là giảm thủ tục hành chính, chi phí, thời gian giải quyết, giảm phiền hà, tăng sự hài lòng là thước đo hiệu quả CCHC một cách thực chất, không chạy theo phong trào, thành tích đơn thuần.
Hiện đại hóa hành chính chưa đồng bộ, tương thích từ trên xuống, phải xây dựng từ Chính phủ điện tử liên thông đến chính quyền điện tử ở địa phương. Thực tế nhiều năm qua, bắt đầu từ địa phương nên gây ra tình trạng lãng phí đầu tư công nghệ thông tin. Còn tình trạng "hành nhau" giữa cơ quan ở địa phương và giữa địa phương với bộ, ngành trung ương; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn vướng mắc về pháp lý thủ tục trực tuyến, nộp lệ phí.
Những mô hình hay dù đã được TP khảo sát chỉ đạo nhân rộng nhưng còn chậm như: Bình Thạnh trực tuyến; cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trực tuyến ở quận 8; không cần xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khi quận 7 công khai quy hoạch chi tiết 1/500; một cửa liên thông cấp phép đầu tư xây dựng công trình tại Sở Xây dựng... Tình trạng người dân phải sao y, chứng thực giấy tờ ở các xã, phường, thị trấn còn quá nhiều, gây lãng phí thời gian, chi phí...
Sáu giải pháp
Năm 2019, TP HCM sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp với yêu cầu xuyên suốt là bảo đảm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác CCHC. Theo đó, mỗi CBCC-VC từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển cho TP HCM, theo tôi, 6 nội dung khác lãnh đạo TP HCM cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện:
MỘT LÀ, cải cách thể chế (cả lập pháp) phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, bảo đảm tính khách quan, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng lợi ích nhóm trong lập pháp, thể chế.
HAI LÀ, đơn giản, hoàn thiện bộ thủ tục hành chính theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, ổn định, nghiên cứu áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo thuận lợi đối với người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
BA LÀ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính cần ổn định lâu dài, xuất phát từ yêu cầu khách quan của kinh tế - xã hội,... của địa phương. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ đồng bộ, không chồng chéo, tạo động lực cho sự phát triển.
BỐN LÀ, CBCC-VC là nhân tố quyết định hiệu quả CCHC, trách nhiệm mỗi cá nhân và nhất là người đứng đầu đối với triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC. Cải cách chế độ công vụ, công chức cần tiếp tục thực hiện (Quyết định 1557 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-10-2012 chỉ thực hiện đến năm 2015). Đánh giá CC-VC hằng năm phải mang tính định lượng, hiệu quả công việc rõ ràng, công khai, khen thưởng, kỷ luật, kỷ cương nghiêm. Chế độ tiền lương, thu nhập đời sống phù hợp mức sống khu vực (nhất là đô thị).
NĂM LÀ, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, xây dựng mô hình Chính phủ điện tử phạm vi cả nước đồng bộ, tương thích, tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương gần dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (pháp lý thủ tục hành chính trực tuyến, nộp lệ phí...). Thực hiện nghiêm ISO điện tử, quy định rõ quy trình thời gian liên thông giữa các ngành, các cấp.
SÁU LÀ, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cần có phương pháp khoa học, khách quan, thực chất hơn.
Trong năm 2019, TP đặc biệt chú trọng đến kỷ luật, kỷ cương công vụ và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC".
(Chủ tịch UBND TP HCM NGUYỄN THÀNH PHONG)
Bình luận (0)