Họp ứng phó mưa lũ tại miền Trung
Anh Nguyễn Minh Chế (ngụ thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh) cho biết đến chiều 1-12, khi nước rút, anh mới về được nhà. Lúc này, toàn bộ đồ đạc trong gia đình đều hư hỏng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ với khoảng 35.000 người dân ở các xã của TP Nha Trang bị ảnh hưởng, cô lập vì ngập lụt.
Hai sà lan phục vụ công trình đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang bị lũ cuốn về hạ nguồn tông sập 2 tuyến ống cấp nước cho Bắc TP Nha Trang. 90% người dân các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lương bị cắt nước.
Ông Nguyễn Văn Đàm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết sẽ đề nghị Sở Giao thông Vận tải cho phép lắp đặt đường ống tạm trên cầu Hà Ra để cấp nước cho người dân. Sở Giao thông Vận tải đang chờ nước rút để kéo sà lan đang kẹt tại cầu Hà Ra.
Hai sà lan bị lũ cuốn về hạ nguồn tông sập 2 tuyến ống cấp nước cho TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM
Quốc lộ 27C đèo Khánh Lê nối TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) bị ách tắc sau trận lũ lớn. Ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa - đơn vị thi công sửa chữa Quốc lộ 27C, cho hay có 7 vị trí sạt lở. Tại Km62+100 xuất hiện sụt lún nền, mặt đường nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao cho người và phương tiện qua đây.
Dù đã ngớt mưa nhưng do lũ rút chậm nên ngày 1-12, khoảng 50.000 học sinh ở tỉnh Bình Định vẫn chưa thể đến trường. Nhiều khu dân cư ở huyện Tuy Phước còn ngập trong nước lũ, có nơi sâu hơn 1 m.
Trên Tỉnh lộ 640 (đoạn qua thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), người dân muốn qua khu vực này phải trung chuyển bằng xe tải với chi phí 20.000-30.000 đồng/người. Tại xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, lực lượng quân đội, công an đã dùng canô để tiếp tế lương thực, nước uống cho những khu dân cư bị cô lập và hỗ trợ tìm kiếm 1 người bị nước lũ cuốn trôi.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương. Thiệt hại vật chất ước tính 124 tỉ đồng.
Sạt lở trên Quốc lộ 40B ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Rạng sáng 1-12, một quả đồi lớn bất ngờ bị sạt lở, hàng chục ngàn mét khối đất đá tràn xuống chắn ngang tuyến Quốc lộ 40B (đoạn qua địa phận xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), chia cắt giao thông lên các xã vùng cao của Bắc Trà My và toàn bộ huyện Nam Trà My.
Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Nam đã điều động phương tiện đến giải phóng hiện trường. Đến cuối giờ chiều, đoạn sạt lở cơ bản được thông tuyến. Trước đó, chiều 30-11, một quả đồi lớn tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) cũng bị sạt lở, đổ ập xuống chia cắt giao thông liên xã.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa to 3 ngày liên tiếp khiến nhiều khu vực bị ngập lụt, nhiều huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, cô lập hàng trăm hộ dân. Trong sáng 1-12, khi lượng mưa giảm, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng, phương tiện khắc phục sạt lở.
"Vì có quá nhiều vị trí sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất đá rất lớn nên công tác khắc phục còn kéo dài trong vài ngày tới. Ngoài ra, chính quyền huyện Ba Tơ tổ chức di dời, không vội cho người dân trở về nhà, đề phòng sạt lở, lũ quét tại các vùng xung yếu, đồi dốc" - ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói.
Vượt lũ cứu 6 người chăn bò giữa sông Ba
Bình luận (0)