Vượt lũ cứu 6 người chăn bò giữa sông Ba (Phú Yên)
Chiều 1-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết trong đợt lũ ngày 30-11 đến sáng 1-12, tỉnh này đã sơ tán đến nơi an toàn hơn 12.800 người; 9 người chết và mất tích, trong đó có 2 em nhỏ.
Gọi "cháy máy" để cứu người
Tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) lúc 18 giờ, điện thoại liên tục reo. "Tiếng kêu cứu xen trong tiếng khóc, tiếng la hét dễ làm rối cả lên. Tôi phải động viên họ bình tĩnh, phải nói rõ nhà ai, ở đâu để chúng tôi biết mà ứng cứu, chứ thật sự là nhiều người hoảng loạn" - ông Đào Tấn Hữu, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, nói.
Từ 14 giờ cùng ngày, xã vận động dân đi sơ tán. Nhiều người dân ở vùng trũng thấp bỏ của chạy lấy người nhưng vẫn không kịp. Làm cán bộ xã này từ năm 1987 đến nay, chưa năm nào ông Đào Tấn Hữu thấy lũ lên nhanh như năm nay. Ngay cả trụ sở UBND xã này, năm 2009 dù lũ lớn, nước chỉ vô 20 cm nhưng nay ngập đến 80 cm.
"Lượng nước quá lớn, quá nhanh. Đến như chúng tôi đây, khiêng bàn, tủ tài liệu lên cao còn không kịp, dân làm sao trở tay kịp được" - ông Hữu nói thêm.
Bộ đội cứu người dân mắc kẹt trong lũ ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Ảnh: TẤN NGHĨA
Thấy tình hình không ổn, ông Hữu trực ban rồi giao ông Nguyễn Thành Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã, đưa thuyền đi cứu người. Từ đó, điện thoại ông Chinh liên tục đổ chuông gọi cầu cứu. Có đến hàng trăm cuộc gọi đến, ông không nhớ ai là ai nữa. Chỉ nghe chỗ đó có người kêu cứu là chạy ngay.
Nước lũ lên cao, nước mênh mông, trời tối đen, rất khó định hướng. Chỉ có quen đường, quen ngõ, quen nhà dân thì mới tới nơi để cứu được, nếu không thì rất dễ đâm vào bụi cây, trụ điện. Nhiều nơi nước rất sâu và chảy mạnh, không khéo thì bị lật thuyền ngay. Tuy nhiên, khi cứu được người, đưa lên thuyền vào được nơi an toàn thì ông Chinh thấy rất vui.
Có trường hợp đội của ông Chinh phải đưa thuyền vào lần thứ 3 mới cứu được 1 cháu bé khuyết tật và người em ốm yếu ở thôn Phú Lộc khi nước ngập hơn 2/3 nhà. Khi đội đến, ông Đào Văn Minh khóc vì biết con mình đã được cứu sống. "Đi làm về, thấy nước lũ lên, hàng xóm táo tác chạy lũ, tôi vội về để đưa con đi sơ tán. Nhưng không kịp. Lũ lên nhanh quá! Nhà bị cô lập" - ông Minh kể.
Đêm 30-11, đội ông Chinh đã thức trắng để cứu 13 trẻ em, người già, người khuyết tật ở 2 thôn Phú Lộc và Phong Niên đến nơi an toàn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết ngoài những trường hợp đã sơ tán kịp, có 2 người rất may mắn được cứu sống. Đó là chủ quán Vườn Dừa, khi nước lên nhanh, chạy không kịp nên đã trèo lên ngọn dừa kêu cứu. Còn 1 người trên đường chạy lũ bị nước cuốn trôi nhưng may mắn bám rồi leo lên được 1 cây bàng.
Suốt đêm 30-11 đến rạng sáng 1-12, tiếng la ó chạy lũ, tiếng kêu cứu thất thanh cứ vang lên ở các khu dân cư dọc hạ lưu sông Ba thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa cũng như dọc sông Kỳ Lộ thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An.
Chủ quan hay xả lũ bất ngờ?
Lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã đưa gần 7.900 người đến nơi sơ tán an toàn.
Đại tá Lương Kế Điềm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, cho rằng cứu dân trong lúc nguy nan là trách nhiệm của quân đội. Nhìn nhận trong đợt lũ lần này, đại tá Điềm cho rằng có cả yếu tố chủ quan của người dân lẫn việc xả lũ của các thủy điện.
"Người dân nghĩ rằng sống trong điều kiện lũ lụt quen rồi. Khi chúng tôi vào cứu thì họ vẫn cứ nghĩ là đơn giản, thậm chí nước ngập nhà rồi mà họ cũng không muốn di dời. Họ cứ nghĩ nước lên tới đó rồi rút, đâu biết là nước vẫn cứ dâng lên. Nhiều trường hợp buộc lòng chúng tôi phải áp tải để sơ tán. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng các thủy điện xả lũ nhanh quá nên người dân di dời không kịp. Quan trọng là người chạy thoát thân, còn tài sản bỏ mặc, chìm trong biển nước" - ông Điềm nhìn nhận.
Ông Ngô Đình Thiện, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa, cho rằng người dân cũng đã chủ quan. Chiều 30-11, huyện đã cho canô đến các vùng trũng thấp vận động di dời nhưng nhiều người dân không chịu đi, cứ nói cao lắm cũng như năm lũ lịch sử 1993 nhưng không ngờ lũ lên nhanh, trở tay không kịp.
Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, các thủy điện thượng nguồn sông Ba xả lũ với lưu lượng lớn bất ngờ, gây khó khăn trong việc điều tiết chống lũ. Tỉnh này cho phép thủy điện Sông Ba Hạ vào thời điểm cao nhất xả lũ với lưu lượng 9.000 m3/giây cùng với hơn 2.000 m3/giây xả lũ của thủy điện Sông Hinh khi mực nước 2 hồ thủy điện này đã đạt đến cao trình thiết kế, để bảo đảm an toàn hồ đập, dù tỉnh biết nhiều vùng hạ du sông Ba bị ngập. Nếu không xả lũ, xảy ra vỡ đập sẽ còn nguy hiểm hơn.
12 người chết và mất tích
Sáng 1-12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Họp ứng phó mưa lũ tại miền Trung
Theo báo cáo của ban chỉ đạo, mưa lũ trong 4 ngày qua đã làm 12 người chết và mất tích; 60.000 ngôi nhà ở miền Trung bị ngập lụt, 6.000 hộ dân phải sơ tán; 775 ha lúa bị thiệt hại; 3 tàu bị chìm; 2 sà lan ở Khánh Hòa đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết đợt mưa lớn tại miền Trung kết thúc trong ngày 1-12. Trước đó, mực lũ trên một số sông ở miền Trung đã trên báo động 3, trong đó 2 điểm đạt xấp xỉ lũ lịch sử năm 1993 và 2013 là sông Kôn ở Bình Định và sông Ba ở Phú Yên.
"10 ngày tới, khu vực miền Trung không có dấu hiệu xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện đợt mưa cực đoan như những ngày qua là rất thấp" - ông Khiêm nói.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg của Thủ tướng về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Dù nước lũ đang xuống nhưng Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị không được lơ là, mất cảnh giác bởi đến nay, đất đai, núi đồi đã tích nhiều nước, từ người dân đến chính quyền đã mệt mỏi, chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể xảy ra những điều đáng tiếc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương từ thượng nguồn đến vùng hạ du cần chủ động đưa cuộc sống của người dân trở lại điều kiện bình thường một cách sớm nhất.
"Đó không chỉ là công tác phòng chống thiên tai mà còn là sự chuẩn bị cho bà con nông dân được đón Tết cổ truyền dân tộc một cách tươm tất nhất" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.
V.Duẩn
Bình luận (0)