Sáng 24-3, kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XIV đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, báo cáo đầy đủ hơn 100 trang đã được gửi đến các đại biểu (ĐB) QH, tại cuộc họp này chỉ trình bày các nội dung chính, vắn tắt.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, bài bản, hiệu quả
Trình bày trước QH, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi; tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, sâu sắc và phức tạp. Vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là ĐBQH khóa XIV, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nghị quyết của QH khóa XIV.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước Ảnh: NGUYỄN NAM
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. "Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Nâng cao vị thế của Việt Nam
Với trách nhiệm là ĐBQH khóa XIV, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của QH, các hoạt động của đoàn ĐB nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp QH. Chủ tịch nước đã lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết ý kiến phản ánh của cử tri với Đảng, Nhà nước, QH, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong công tác điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng, bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh...
Hôm nay (25-3), QH làm việc tại hội trường, nghe Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV.
Luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến thời điểm này, QH có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ.
Theo Chủ tịch QH, suốt chặng đường gần 5 năm qua, QH đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những thành tựu to lớn, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết QH khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán. Các quyết sách của QH luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận (0)