Được xây dựng trước năm 1975, chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM) có 8 tầng với 76 hộ được xếp vào danh sách 1 trong 15 chung cư cấp D, mức độ nguy hiểm.
Hư hỏng nặng
Theo quan sát, từ tầng 5 đến tầng 8 của chung cư hiện không còn hộ nào sinh sống, tường nứt, cột nhà, trần nhà bong tróc xi-măng, gạch đá xà bần vương vãi khắp nơi…
Ông Khúc Văn Cường (ngụ P4A, chung cư 23 Lý Tự Trọng) cho biết có khoảng 90% hộ dân nơi đây đã nhận tiền bồi thường và đi nơi khác, còn lại 10% hộ đang sinh sống do chưa thỏa thuận được giá bồi thường và chờ tái định cư. Riêng hộ ông Cường đã thỏa thuận xong chờ quyết định di dời từ quận.
Chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM) là 1 trong 15 chung cư cấp D, mức độ nguy hiểm
Được biết, cuối năm 2017, UBND quận 1 đã ban hành kết luận chung cư 23 Lý Tự Trọng khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, thuộc diện nhà chung cư nguy hiểm cần phải di dời, tháo dỡ khẩn cấp.
Tương tự, các chung cư như 128 Hai Bà Trưng (quận 1), 155-157 Bùi Viện (quận 1), 11 Võ Văn Tần (quận 3), Trúc Giang (quận 4), Vĩnh Hội (quận 4), 6 bis Nguyễn Tất Thành (quận 4), 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), 43 Bình Tây (quận 6), 119B Tân Hòa Đông (quận 6), 47 Long Hưng (quận Tân Bình), 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), 149-151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), 40/1 Tân Phước (quận Tân Bình), 170-171 Tân Châu (quận Tân Bình)… cũng đang hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Ủy quyền quận xây mới
Hiện TP HCM đã hoàn tất việc kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ, xây dựng trước năm 1975. Kết quả có 15 chung cư cấp D (7 chung cư cấp độ hư hỏng nặng, 8 chung cư cấp độ nguy hiểm), 115 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B, 12 chung cư không cần kiểm định do đã và đang di dời và cải tạo, chuyển mục đích sử dụng.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các chung cư được xây dựng trước năm 1975 hầu hết đã được phân công, ủy quyền để các quận chủ động thực hiện từ công tác khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng, lập kế hoạch, đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đến tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng như chấp thuận đầu tư, phê duyệt dự án và cấp phép xây dựng. TP đã ban hành được bộ tiêu chí chung để UBND các quận ưu tiên dành các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho các khu vực có chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, bảo đảm thu hút được các nhà đầu tư quan tâm tham gia vào thực hiện tháo dỡ và xây mới thay thế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như giải ngân kinh phí kiểm định và sửa chữa ở các quận cũng như việc xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư còn chậm. Một số UBND các quận còn lúng túng và chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện các nội dung được UBND TP phân công, ủy quyền, nhất là đối với các dự án có quy mô đầu tư lớn…
Cũng theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn các quận 3, 4, 5, 10, Bình Thạnh còn tồn tại một số cụm chung cư có cảnh quan nhếch nhác, xây dựng đã lâu, phải thường xuyên sửa chữa, bảo trì, như: Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), cư xá Vĩnh Hội (quận 4), Viễn Đông (quận 5), Ngô Gia Tự (quận 10), Ấn Quang (quận 10), Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… Theo kế hoạch của các quận, các chung cư này sẽ được tháo dỡ để xây dựng mới nhưng kết quả kiểm định chất lượng đề là cấp B hoặc C, không thuộc diện phải phá dỡ để xây mới. Muốn phá dỡ phải được tất cả 100% chủ sở hữu đồng ý. Do do, cần có cơ chế thí điểm đối với loại chung cư này.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo kế hoạch, năm 2018, UBND các quận 1, 4, 5, 6, Tân Bình đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lựa chọn chủ đầu tư đối với 13 chung cư cấp D. Các quận 1, 3, 6, 8 tháo dỡ 5 chung cư cấp D và B. Các sở - ngành hỗ trợ các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công, xây dựng các chung cư mới thay thế đối với 2 chung cư cấp D (chung cư 128 Hai Bà Trưng - quận 1, chung cư 11 Võ Văn Tần - quận 3), khởi công 5 chung cư đã tháo dỡ và hoàn thành 1 chung cư.
Bình luận (0)