15 năm trước, đường Sinco, quận Bình Tân là một bãi đất trống, nhiều phần mộ, vắng bóng người. Theo thời gian, người dân các nơi đổ về xây nhà, mở đường, hàng chục ngôi mộ to nằm xen cài giữa các cụm dân cư, án ngữ giữa đường.
Đường "né" mộ
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho biết rất nhiều ngôi mộ có từ hàng chục năm trước, người dân xây nhà sống cùng. Việc chỉnh trang tuyến hẻm vì vậy gặp nhiều khó khăn do không thể thương lượng được với thân nhân việc di dời mồ mả, cho dù chi phí bồi thường rất cao. Để hoàn thiện hạ tầng, mở rộng đường, chính quyền buộc phải nắn theo mồ mả dẫn đến việc có những con đường "cong cong, quẹo quẹo" theo các phần mộ.
"Ở cụm dân cư này có những gia đình xây mộ nằm án ngữ giữa nhà bởi chủ đất và người đang ở khi mua bán trước đây đã thỏa thuận với nhau về việc tuyệt đối không được di dời mộ đi nơi khác. Vì muốn có nơi ở vừa túi tiền, người mua đã chấp thuận" - một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân tiết lộ.
Tâm lý người dân ái ngại việc di dời mồ mả cũng khiến không ít dự án nhà ở gặp khó khăn, đặc biệt những công trình tư nhân. Ông Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Công ty Xây dựng nhà ở có trụ sở tại quận 12, cho biết hiện đang vướng một dự án đã thỏa thuận xong việc bồi thường các khu đất nhưng trong suốt 2 năm vẫn không bàn xong việc di dời 5 phần mộ để nối con đường dẫn vào bên trong khu dân cư. Đã có hơn 10 buổi làm việc với thân nhân các phần mộ nhưng đều không tháo gỡ được. "Người dân có suy nghĩ nếu di dời mộ ông bà tổ tiên, con cháu sẽ làm ăn khó khăn. Vậy nên dù có cho tiền tỉ để dời mộ thân nhân đi nơi khác, người dân vẫn nhất quyết không chịu" - ông Chính nói.
Để có thể hoàn thành dự án, ông Chính cho biết chỉ còn cách nắn cong đường đi, loại bỏ các lô đất lân cận, chấp nhận việc giảm lợi nhuận dự án (vì có cụm mồ mả tồn tại) nhằm hoàn thiện kịp tiến độ giao cho khách hàng.
Tương tự, đường Nhà Vuông, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn dài chỉ vài trăm mét nhưng liên tục có nhiều đoạn cong. Phía sau những khúc cua đó là các căn nhà xây bên cạnh phần mộ, không ít căn nhà có mộ ở giữa hoặc bao quanh khuôn viên tường rào. Tại đường Thống Nhất, quận Gò Vấp cũng có các ngôi mộ lớn nhỏ xen kẽ trong khu dân cư. Có nơi mộ nằm chắn ngang giữa đường, người dân phải mở lối đi bọc quanh mộ để cho xe hai bánh qua lại dễ dàng.
Một dự án tại quận 12, TP HCM từng gặp nhiều khó khăn khi không di dời được mộ để mở rộng đường
Cần di dời
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP có trên 100 khu nghĩa trang tồn tại trước năm 1975, trong đó phần lớn là nghĩa trang gia tộc, họ tộc. Trước kia, khi chưa có các quy định về quy hoạch chi tiết, người dân thường chôn cất người thân xung quanh khu đất nhà hoặc mua khu đất trống để làm cụm nghĩa trang gia đình. Nhu cầu nhà ở tăng cao khiến các nghĩa trang xa khu dân cư giờ lại nằm lọt thỏm giữa cụm nhà. Về hạ tầng, hiện có trên 20 con đường gặp khó khăn trong công tác mở rộng do vướng các ngôi mộ.
Tương tự, theo kết quả khảo sát từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, nước giếng khoan (nước ngầm) ở khu dân cư có nghĩa trang xen kẽ tại quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức), quận Gò Vấp, quận Bình Tân... có tỉ lệ nitrat cao. Đây là chất được thải ra từ việc phân hủy xác người, nếu dùng nước giếng khoan để sinh hoạt sẽ tác động xấu đến sức khỏe người dân. Trước thực trạng mộ nằm xen cài khu dân cư và nhiều con đường gặp khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành khác cùng đề xuất: Đối với các phần mộ ảnh hưởng đến hạ tầng, giao thông, quy hoạch, cần di dời theo hình thức bốc mộ vắng chủ. Việc này giúp cho môi trường sống của người dân được tốt hơn và góp phần chỉnh trang đô thị.
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam cho biết hiện tại, Singapore chỉ có một khu nghĩa trang. Trước đó, các khu nghĩa trang đã bị giải tỏa phục vụ nhu cầu quy hoạch, mở rộng đường. Ít ai biết rằng khu sầm uất nhất ở Singapore có tên là phố mua sắm Orchard trước kia là nghĩa trang. Hiện nay, Singapore áp dụng chính sách chỉ được phép chôn cất 15 năm, sau đó phải hỏa táng. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, Singapore đã từng thực hiện các biện pháp mạnh để bốc mộ làm đường, hạ tầng. Ban đầu, nhiều người gốc Hoa cực kỳ phản đối vì cho rằng ảnh hưởng đến gia đình và công việc làm ăn nhưng hiện nay, họ đã thay đổi nhận thức.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa liên tục gặp "ca khó"
Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết hiện việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã chuyển sang giai đoạn 2, kêu gọi thân nhân 6.880 mộ bị ảnh hưởng chưa có đăng ký kê khai, bốc mộ. Quá trình giải tỏa và di dời suốt 5 năm qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những "ca khó" với yêu cầu bốc mộ phải đúng ngày, giờ theo phong thủy, tâm linh. Thậm chí, có những trường hợp không hợp tác vì muốn phần mộ thân nhân được yên ổn để con cháu làm ăn khấm khá. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành vận động, chốt thời gian tự bốc mộ và cho biết nếu không thực hiện, chính quyền sẽ tiến hành bốc mộ theo hình thức vắng chủ.
Bình luận (0)