TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người từng tham gia 4 chuyến trục vớt tàu cổ - cho rằng một kho tàng di sản cực lớn còn nằm rải rác tại các vùng biển nước ta. Theo ông, chỉ tính riêng về số cổ vật, có thể xem mỗi chiếc tàu chở đồ gốm sứ bị đắm là một kho tàng khổng lồ.
Bỏ 1 triệu USD, thu gần 100.000 cổ vật
Cuộc khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau là cuộc khai quật hoàn toàn do kinh phí trong nước (khoảng 1 triệu USD), với đội ngũ chuyên gia khảo cổ học và kỹ thuật Việt Nam thực hiện trong 2 năm 1998-1999.
Hàng chục kíp thợ lặn có kinh nghiệm nhất của Công ty Trục vớt cứu hộ VISAL đã được huy động để khai quật tàu cổ ở Cà Mau với tổng số gần 1.000 giờ lặn. Ở độ sâu xấp xỉ 35 m, dưới áp lực rất lớn của khối nước biển khổng lồ, các tốp thợ phải tiến hành đo đạc khảo sát, vẽ sơ đồ, thổi hút bùn cát tích tụ gần 300 năm nay đã lấp kín hết con tàu.
Thợ lặn phải chấp hành nghiêm ngặt quy định chỉ được phép ở dưới đáy biển lâu nhất không quá 30 phút. Từ đáy biển ngoi lên cũng phải từ từ (kéo dài trên 15 phút) vì nếu lên nhanh, giảm áp đột ngột thì thợ lặn sẽ bị rỉ máu tai, máu mũi, nguy hiểm tính mạng.
Cổ vật trục vớt từ con tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau
Suốt một thời gian dài, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cà Mau đã làm việc không mệt mỏi, từ chỉ huy trục vớt, ngâm rửa, xử lý kỹ thuật, phân loại, ghi chép hồ sơ lý lịch tỉ mỉ từng cổ vật, nhập liệu vào máy vi tính 99.124 món cổ vật. Theo đánh giá của các chuyên gia, những hiện vật này chủ yếu là đồ gốm sứ được sản xuất từ Trung Quốc, đời vua Ung Chính nhà Thanh (1723-1735). Hoa văn, trang trí mỹ thuật trên men sứ rất phong phú, sắc sảo.
Trong tàu còn chứa một số đồ sứ mang đặc điểm châu Âu. Tuy nhiên, tính chất hàng hóa trên tàu cho thấy chúng liên quan đến việc đặt hàng của người châu Âu. Cho nên, nhiều khả năng tàu đắm ở vùng biển Cà Mau là tàu buôn Trung Quốc cung cấp hàng cho châu Âu đang trên đường tới một hội chợ nào đó tại Indonesia.
Bộ sưu tập quý hiếm
Đến tháng 5-2002, tại vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, thuyền trưởng Huỳnh Công Duy và các thợ lặn trên tàu BTH 4591, trong lúc neo đậu dò tìm nguồn cá đã phát hiện nhiều cổ vật. Do ở độ sâu khoảng 40 m, nước chảy mạnh, thời điểm lặn thăm dò không thuận lợi nên tàu của ông Duy đành phải bấm định vị và quay về với gần 100 mẫu vật thu được tại ngư trường.
Những ngày kế tiếp, nhiều tàu, thuyền ở xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đã bám theo tàu của ông Duy để khai thác cổ vật. Ngay sau đó, lực lượng Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã can thiệp kịp thời, thu hồi hơn 800 hiện vật do ngư dân khai thác, đồng thời cử người đến bảo vệ tàu đắm.
Xí nghiệp Liên hiệp Trục vớt cứu hộ - Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện 7 ca lặn đôi với thời gian 852 phút để quay phim khảo sát. Băng ghi hình cho thấy con tàu bị đắm dài 30 m, rộng 7 m, nằm ở độ sâu 41 m. Ngoài số cổ vật đã bị ngư dân khai thác trái phép, hầu hết các khoang tàu đều đầy ắp chén, đĩa, âu còn nguyên vẹn.
Tháng 11-2002, sau một thời gian trục vớt, hơn 60.000 cổ vật đã được đưa về kho của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Theo đánh giá của các chuyên gia, các cổ vật này là loại gốm sứ Trung Quốc sản xuất cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, tức là cuối đời Minh (1573-1620) đầu đời Thanh. Các nhà chuyên môn nhận định đây là bộ sưu tập cổ vật quý hiếm nhất từng trục vớt được ở vùng biển phía Nam.
Trong con tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Thuận, người ta đã tìm thấy những đĩa sứ hoa lam có hoa văn chim phượng, hoa lá, miệng loe xiên, thành cong gãy; đế thấp, lõm, đính cát - giống với hiện vật tại ngôi mộ của người Mường ở Hòa Bình thế kỷ XVI-XVII (đế dính cát là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của sản phẩm gốm sứ lò Chương Châu, Phúc Kiến - Trung Quốc thời kỳ này).
Cũng tại con tàu này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những đồ sứ vẽ nhiều màu trên men và sứ hoa lam - đặc biệt là bát hoa lam vẽ trang trí hoa sen và vịt, tương đồng với hiện vật được khai quật tại những di chỉ của người Mạ cổ ở Lâm Đồng. Trong bộ sưu tầm gốm sứ Lâm Đồng của ông Nguyễn Đức Tùng ở xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng có nhiều loại tương đồng với hiện vật trong con tàu đắm tại vùng biển Bình Thuận...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-8
Ngậm ngùi nhìn kho báu
Theo các nhà khoa học, những kho báu triệu đô nằm dưới lòng biển Việt Nam còn nhiều nhưng việc xác định cụ thể và khai quật không phải dễ. Tất cả các lần khai quật tàu cổ ở ta đều là ngẫu nhiên từ những phát hiện của ngư dân. Việc chủ động khai thác nguồn di sản này phụ thuộc rất lớn vào ngành khảo cổ học dưới nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bộ môn này hiện gần như chỉ là... số 0.
Năm 2013, Viện Khảo cổ học được phép thành lập bộ phận khảo cổ học dưới nước. Thế nhưng, cho đến nay, nguồn nhân lực của ngành vẫn còn yếu, cơ sở vật chất và trang thiết bị không có, kinh phí để chủ động khai quật, khảo sát cũng không. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã phối hợp với quốc tế tiến hành nghiên cứu 6 con tàu đắm nhưng chủ yếu công việc khai quật là do các thợ lặn nước ngoài hoặc trong nước tiến hành, chưa thực sự có các nhà khảo cổ học dưới nước với các trang thiết bị chuyên dụng và kỹ năng khai quật khảo cổ học dưới nước thực hiện.
Đã có một số tổ chức nước ngoài đến Việt Nam đề nghị giúp xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước, xác định tổng thể vị trí của các con tàu cổ bị đắm, sau đó liên kết trục vớt để thu nguồn lợi từ cổ vật. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Chiến, đây là việc rất khó thực hiện. Biển Việt Nam có một số vùng thuộc quân sự, không vào được. Việc xây dựng bản đồ tàu đắm sẽ ngốn một khoản kinh phí khổng lồ. Chưa kể, đến khi đã xác định được các vị trí tàu đắm thì việc bảo vệ hàng loạt kho cổ vật dưới đáy biển trong lúc chờ khai quật cũng là một thách thức cực lớn.
Bình luận (0)