Ngày 22-4, phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn thành phố học tập, quán triệt 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Những kết quả to lớn và quan trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật như Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đã đánh giá. Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: "Những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước".
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề, tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Song, TP đã vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 3,98%, gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước; quy mô GRDP đạt 43,8 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.285 USD, gấp 1,9 bình quân cả nước. Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 102,2% dự toán và tăng 5,5% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân tăng khoảng 2,7%, thấp hơn bình quân cả nước (3,23%). Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 416,15 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực, có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn, nâng tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện là 72,2%, cấp xã là 96,3%. An sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP chỉ còn 0,21%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tiếp đà phục hồi từ năm 2020, trong quý I năm 2021, mặc dù vẫn phải chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội TP vẫn đạt được kết quả khả quan và đáng khích lệ. Thu ngân sách được đảm bảo, thực hiện 72.831 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao và 29,0% dự toán TP giao, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư quý I-2021 đều tăng cao so với cùng kỳ; GRDP tăng 5,17% - cao hơn cả nước (là 4,48%) và gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân 3 tháng đầu năm, CPI tăng 0,04% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Các vị lãnh đạo TP Hà Nội tham dự hội nghị
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ có được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, các tỉnh, TP trong nước và bạn bè quốc tế; sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị các cấp và lực lượng vũ trang; còn có sự chung sức, đồng lòng và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và gần 10 triệu người dân Thủ đô.
6 nhiệm vụ trọng tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, trên cơ sở kế thừa và phát triển, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý..., ngày 17-3-2021 (nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội), Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII.
Để đảm bảo cho việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy trong toàn Đảng bộ TP đạt kết quả tốt nhất, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội đề nghị thực hiện tốt một số nội dung sau.
Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc việc học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng. Do vậy, việc tổ chức học tập, quán triệt phải thực sự thiết thực, hiệu quả, nghiêm túc, gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội là vì sự phát triển của Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung và nhân dân được thụ hưởng những thành quả phát triển đó. Đề nghị các đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo nghiêm túc việc học tập, quán triệt tại địa phương, đơn vị, cũng như chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, nắm được nội dung các chương trình công tác của Thành ủy về các kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Trên cơ sở đó, từng cán bộ, đảng viên phải là nhân tố tích cực góp phần cùng cả hệ thống chính trị của thành phố tổ chức thực hiện; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân đồng thuận ủng hộ, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến quán triệt những nội dung quan trọng của Chương trình số 01-CTr/TU tại hội nghị
Thứ ba, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy phải được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng, gắn với việc chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt 10 chương trình công tác của Thành ủy phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn và khu vực đối tượng; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống tuyên giáo các cấp, các cơ quan báo chí, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên… Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, quán triệt tới cơ sở, tập trung gợi ý và định hướng những nội dung và vấn đề cần đột phá trong thời gian tới, kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung các chương trình; chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái.
Thứ năm, về cụ thể nội dung 10 chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, trong đó Chương trình 01 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và cải cách hành chính là rất quan trọng; Chương trình 02, 03, 04 về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế đô thị, nông thôn; Chương trình 05 về quy hoạch, tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; Chương trình 06, 07, 08 về phát triển văn hóa, con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội; Chương trình 09 về quốc phòng, an ninh và Chương trình 10 về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Các chương trình được kết cấu với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ biện chứng và logic với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia và ngược lại. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các chương trình phải thường xuyên trao đổi, phối hợp, giao ban để cùng đưa ra những quyết sách kịp thời, hiệu quả nhằm triển khai thắng lợi tất cả các chương trình. Đối với các cấp ủy trực thuộc Thành ủy cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy; đồng thời rà soát, cập nhật bổ sung nội dung của 10 chương trình này vào các chương trình công tác của cấp ủy cấp mình để tổ chức triển khai đồng bộ Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ sáu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy và việc xây dựng chương trình hành động thực hiện chương trình công tác của mỗi địa phương, đơn vị; khắc phục triệt để bệnh hình thức, qua loa, đại khái. Kịp thời phát hiện, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu, học tập.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, nhất là người đứng đầu, gắn bó mật thiết với nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân và doanh nghiệp, chống quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đoàn kết phát huy dân chủ; coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc ban hành và tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy là một bước quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP vào cuộc sống. Khối lượng nội dung của 10 chương trình rất lớn, thời gian của hội nghị lại không có nhiều, vì thế cần nghiêm túc tập trung lắng nghe để tiếp thu những nội dung cơ bản, cốt lõi và tiếp tục tự nghiên cứu các nội dung cụ thể và quan trọng hơn cả là phải khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết cũng như các chương trình công tác của Thành ủy tại địa phương, đơn vị một cách chất lượng, hiệu quả nhất.
Người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội tin tưởng rằng nếu thực hiện tốt các chương trình công tác trên cơ sở vừa đảm bảo bao quát các nhiệm vụ chính trị thường xuyên của TP, vừa chọn lọc các việc trọng tâm, trọng điểm, mang tính điểm nhấn, đột phá để quyết liệt triển khai thì sẽ đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bình luận (0)