Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, dân số hơn 19 triệu dân. Về giao thông đường bộ, do nguồn lực còn hạn hẹp, vẫn còn nhiều trục và một số tuyến quốc lộ chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Lo mất cơ hội đầu tư
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ; thuộc dự án kết nối trung tâm ĐBSCL. Dự án được khởi công vào tháng 9-2013 với vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng tưởng chừng như sẽ thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, trước ngày thông xe thì xảy ra sự cố nghiêm trọng dầm ngang tại cầu bị nứt nên phải sửa chữa.
Ngày 12-12, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết dự kiến trong quý I/2019, cầu Vàm Cống sẽ chính thức thông xe. Trong khi đó, tuyến cao tốc kết nối giữa cầu Vàm Cống với cầu Cao Lãnh cũng được hoàn thành và đang chờ đưa vào sử dụng.
Việc chậm thông xe đã gây khó khăn về lưu thông hàng hóa và ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Đồng Tháp. Đáng lo ngại, tuyến Quốc lộ 30 nối với Quốc lộ 1 hiện đã quá tải do nhỏ hẹp và xuống cấp nghiêm trọng. Dù cho cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh có thông xe vẫn không thể phát huy được lợi thế vì đây là cửa ngõ đi vào từ các tỉnh ĐBSCL.
Cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) Ảnh: NGỌC TRINH
"Điều này cũng đồng nghĩa với việc Đồng Tháp mất đi nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư vì các doanh nghiệp thường ngán ngại về đường sá đi lại như thế này" - ông Đoàn Tấn Bửu khẳng định.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với nhiều bộ, ngành để tìm vốn đầu tư sớm cho đoạn Quốc lộ 30 này nhưng vẫn chưa được, vì còn ưu tiên cho đoạn từ TP Cao Lãnh về khu vực biên giới với Campuchia. Do đó, Đồng Tháp hy vọng đoạn kết nối với Quốc lộ 1 sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng vào năm 2020. Khi đó mới thật sự tạo được kết nối và phát triển cho tỉnh nhà.
Làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc khắc phục sự cố nứt dầm thép cầu Vàm Cống chiều 12-12, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), lại thông tin về thời điểm đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống trễ hơn dự kiến của tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Thành, việc khắc phục sự cố sẽ xong trong tháng 12-2018. Dự kiến đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2019 sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống cũng như toàn tuyến nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống.
Tại TP Cần Thơ, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ do vướng về vốn vay. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. Do nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng vay tín dụng nên công trình dù khởi động đã lâu mà vẫn đình trệ. Mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án.
13 tỉnh, thành không có 1 cảng lớn
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, đường thủy nội địa là phương thức vận tải đặc thù chiếm khoảng 70% khối lượng hàng hóa vận chuyển của vùng ĐBSCL. Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho hay hiện khu vực này chưa có cảng biển nước sâu đáp ứng đúng nhu cầu phát triển kinh tế của vùng. Toàn bộ 12 cảng biển hiện nay chỉ đáp ứng được tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải.
Cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) là cảng lớn nhất vùng có thể tiếp nhận tàu với tải trọng 20.000 tấn nhưng do bị hạn chế của luồng sông Hậu nên vẫn chưa thể khai thác hết công suất. Với quy mô dự báo phát triển của vùng thì các cảng biển hiện nay không đáp ứng được. Bên cạnh đó, ĐBSCL chưa có những bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn, các cảng hiện có hầu như phân tán, manh mún, đa số chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ.
Trước tình trạng giao thông thiếu đồng bộ, chưa khai thác đúng tiềm năng của vùng, Bộ GTVT ngày 12-12 đã tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề (Sóc Trăng) diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định để ĐBSCL không bị tụt hậu so với các vùng trên cả nước thì cần tăng cường kết nối hệ thống GTVT các địa phương trong vùng. Ngoài ra, cần phát huy lợi thế về đường thủy nội địa và đường biển sẵn có để khơi thông, phát triển hệ thống GTVT trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp như hiện nay.
Người đứng đầu ngành GTVT khẳng định giai đoạn 2018-2020, bộ sẽ triển khai sớm một số tuyến đường có tính chất động lực, tính kết nối vùng cao và tháo gỡ điểm nghẽn của vùng. Cụ thể như xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường N2 nối Long An - Đồng Tháp và Kiên Giang; nâng cấp Quốc lộ 60 đoạn cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; nâng cấp kênh Chợ Gạo 2, dự án logistics ĐBSCL; đầu tư xây dựng cảng Trần Đề; nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ…
Dịp này, Bộ GTVT đã trình bày đề án quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề để lấy ý kiến của các địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm nay. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định: "Nếu sớm hình thành được một cảng nước sâu, kinh tế của vùng sẽ có bước phát triển đột phá. Bộ quyết tâm thực hiện để khu vực ĐBSCL có một cảng nước sâu với thời gian nhanh nhất".
Theo đề án, cảng Trần Đề có tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, container có tải trọng lên đến 100.000 tấn, tiếp nhận tàu chở hàng rời đến 160.000 tấn. \
Các cảng hàng không ở ĐBSCL dù được nâng cấp, mở rộng nhưng hiệu quả khai thác chỉ đạt 28%.
Bình luận (0)