Ngày 1-8, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nước lũ từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về các địa phương đầu nguồn sông Hậu thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc của tỉnh An Giang.
Dễ kiếm bạc triệu
Ông Lê Văn Dũng ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, cho biết mùa lũ năm nay, vợ chồng ông đi đặt lọp cua trên cánh đồng giáp biên giới ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Với 500 chiếc lọp, bình quân mỗi đêm ông Dũng bắt được hơn 10 kg cua đồng và bán mỗi kg từ 40.000 -55.000 đồng. "Mùa lũ năm nay cua đồng sẽ nhiều. Khi nước lũ lên cao một chút nữa thì mỗi ngày có thể bắt được khoảng 50 kg cua. Trừ hết chi phí, mỗi ngày cũng kiếm được bạc triệu" - ông Dũng phấn khởi.
Còn anh Phạm Văn Tài ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc, cho biết vợ chồng anh đang tranh thủ vá lại một số lưới bị rách từ mùa lũ năm ngoái để kịp thời đặt dớn trong tuần tới vì nước lũ đang dâng lên nhanh. "Mùa lũ năm rồi cá cũng nhiều nhưng chắc chắn sẽ không bằng năm nay vì nước lên nhanh và mưa nhiều nên cá có điều kiện lên đồng để sinh sản" - anh Tài nói.
Bà Chung Thị Hằng ở xã Đa Phước, huyện An Phú, làm nghề thu gom cá cho biết hiện mỗi ngày bà đi dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế thu vào khoảng 700 kg cá của hơn chục hộ ngư dân. "Khi nước lũ lên cao thì mỗi ngày có thể mua đến 3 tấn cá. Tuy mình là dân mua đi bán lại nhưng cũng mong năm nay cá về nhiều để ngư dân kiếm được nhiều tiền hơn" - bà Hằng chia sẻ.
Nhiều diện tích đất của nông dân ngoài vùng đê bao luôn cho năng suất lúa cao hơn do mỗi năm được phù sa bồi đắp
Đừng để cơ hội trôi tuột!
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết khi Trung Quốc, Lào, Thái Lan và cả Campuchia xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông thì lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 30%. Hệ quả là tình trạng sạt lở ngày càng lan rộng và độ màu mỡ của đất cũng giảm đáng kể. Đất kém màu mỡ cũng đồng nghĩa việc người nông dân phải bón thêm rất nhiều phân hóa học, nhất là phân đạm, làm cho các loại vi sinh hữu ích trong đất bị tiêu diệt. Do vậy, khi nông dân trồng trọt phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật vì nếu không sẽ không bảo đảm sản lượng. "Sở dĩ cây trồng ngày xưa có đủ sức đề kháng với sâu bệnh là nhờ có các dưỡng chất cần thiết do phù sa bồi đắp" - GS-TS Võ Tòng Xuân lý giải.
Theo GS-TS Xuân, nước lũ về ĐBSCL mấy hôm nay thực chất không phải là nước từ thượng nguồn mà do áp thấp nhiệt đới vừa qua từ Thanh Hóa thổi qua thượng Lào. Lượng nước đó gây ra tình trạng ngập lụt và phá vỡ đập thủy điện ở nước này.
Ông Xuân nhận định nước lũ năm nay về sớm khoảng 2 tuần so với năm ngoái và có màu ngầu đục là tín hiệu vui cho nông dân ĐBSCL. Đây là dịp để các địa phương lấy phù sa bù đắp cho đồng ruộng và nên tận dụng tối đa cơ hội này chứ đừng để trôi mất ra biển hoặc dừng chân ở cửa biển Trần Đề. "Ngành nông nghiệp và cả nông dân không nên trồng lúa vào thời điểm này mà nên để cho đất được nghỉ ngơi. Đặc biệt là những nông dân trồng lúa ngoài vùng đê bao" - ông Xuân khuyến cáo.
Mất phù sa vì ham lúa vụ 3
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng ĐBSCL mất phù sa không chỉ vì thủy điện ở thượng nguồn mà còn do hệ thống đê bao bảo vệ lúa vụ 3. Hệ quả là đất ruộng trong đê bao chỉ còn nhận lượng nước trong vắt với lượng phù sa ít ỏi.
Theo ông Xuân, ngày xưa nông dân chỉ làm 2 vụ lúa. Cứ vào độ giữa tháng 7 là thu hoạch dứt điểm vụ hè thu rồi cho nước lũ tràn vào lấy phù sa. Đến khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 mới làm vụ đông xuân. Thế nhưng, kinh nghiệm ngàn đời của cha ông cũng như khuyến cáo của các nhà khoa học đều không được quan tâm bởi địa phương nào cũng ham làm nhiều vụ lúa rồi đắp đê bao.
"Có những con đê cao đến 2-3 m để ngăn lũ. Việc làm này không chỉ khiến cho đất mất dần phù sa mà còn gây ngập sâu hơn cho những vùng bên ngoài. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến cho mực nước lũ mỗi năm mỗi khác do phụ thuộc vào lượng mưa nên quy luật về "Năm Thìn bão lụt" giờ không còn nữa" - GS-TS Võ Tòng Xuân phân tích.
Bình luận (0)