Kinh doanh không hiệu quả nên ngư dân Nguyễn Đức Hưng (41 tuổi; ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) quyết định cho tàu vỏ thép kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 99479 TS, công suất 880 CV, neo đậu ở cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát, từ 2 năm qua. Không hoạt động trong thời gian dài, ít được bảo dưỡng nên vỏ tàu bắt đầu gỉ sét, nhiều thiết bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Hưng, năm 2016, gia đình ông đóng con tàu trên hết 18 tỉ đồng; trong đó, vay ngân hàng 17 tỉ đồng, số còn lại phải thế chấp nhà để làm vốn đối ứng. Tàu được đóng với mục đích cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, đồng thời mua cá của các tàu cá khai thác từ ngoài khơi để đưa vào bờ bán cho thương lái. Sau 7 tháng hạ thủy với 3 chuyến biển, thua lỗ nặng nên ông Hưng chuyển hướng sang đầu tư mua sắm thêm thiết bị để hoán cải tàu sang đánh bắt cá chình bọc. Thế nhưng, do tiếp tục hoạt động không hiệu quả nên ông cho tàu nằm bờ.
Nhiều ngư dân Bình Định neo tàu dài ngày vì hoạt động không hiệu quả
"Được nhà nước khuyến khích đầu tư, 2 năm trước, tôi quyết định chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau 3 chuyến biển, chuyến nào cũng lỗ 100 triệu đồng nên tôi cho tàu nằm bờ để chuyển hướng kinh doanh. Thế nhưng, do nợ nần chồng chất vì thua lỗ nên đến giờ gia đình tôi vẫn chưa có tiền chuyển đổi tàu sang nghề mành chụp" - ông Hưng than thở.
Cạnh tàu ông Hưng, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 99569 TS của ngư dân Lê Văn Mi (ngụ cùng địa phương) có thiết kế và công suất tương tự, cũng nằm yên từ mấy tháng qua trong tình trạng xuống cấp nặng vì không hoạt động. Sau 5 chuyến biển lỗ hơn 600 triệu đồng, anh Mi cho tàu nằm bờ để chuyển đổi sang mành chụp nhưng do chưa có 5 tỉ đồng để đầu tư chuyển đổi nên đến giờ, tàu vẫn nằm yên. Trong khi đó, hằng tháng anh phải chi gần chục triệu đồng để duy tu, thuê người trông coi, đóng tiền phí bãi, chưa kể đang nợ quá hạn tiền vay ngân hàng để đóng tàu hơn 300 triệu đồng. Nguy cơ phá sản đang cận kề.
Cũng tại cảng cá Đề Gi, nằm bờ lâu nhất phải nói đến tàu dịch vụ hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 99888 TS của ngư dân Đỗ Công Quý. Con tàu trị giá gần 15 tỉ đồng, hạ thủy từ tháng 10-2016 nhưng chỉ sau vài chuyến biển bị thua lỗ gần 2 tỉ đồng nên ông Quý cho tàu nằm bờ suốt 2 năm qua. Tàu không hoạt động nên xuống cấp nặng, trong khi hằng tháng phải trả tiền vay ngân hàng và các chi phí khác cho tàu nên ông Quý nợ nần ngày càng chồng chất.
"Chuyến biển đầu tiên, sau khi mua được mấy chục tấn cá tươi, tôi cho tàu quay vào bờ. Nào ngờ khi tàu đến cảng, cá hỏng hết do hầm chứa không rút nước, lỗ gần 1 tỉ đồng. Sau đó, tôi vay thêm gần 1 tỉ đồng để sửa lại hầm cá. Nhưng chuyến thứ 2, máy tàu hỏng nên tôi tiếp tục lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau 2 chuyến biển đó, tàu tôi neo ở cảng từ đầu năm 2017 đến nay mới được doanh nghiệp đóng tàu sửa chữa xong" - ông Quý bức xúc.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết do làm ăn thua lỗ nên ở địa phương có nhiều ngư dân xin chuyển đổi tàu dịch vụ hậu cần nghề cá sang tàu đánh bắt. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi vì chi phí chuyển đổi rất tốn kém, trong khi ngân hàng khó chấp nhận cho vay thêm.
"Chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng tìm biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo quan điểm của tôi, trước mắt các chủ tàu này nên phối hợp với tàu đánh bắt để hình thành tổ đội tàu mẹ gắn kết tàu con nhằm hoạt động hiệu quả hơn" - ông Phúc nói.
Bình luận (0)