Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Về mặt lợi ích, dễ nhìn thấy nhất là nhiều dòng thuế được cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu sẽ được xóa bỏ. Với 0,3% kim ngạch còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quan trọng này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định đã được ký kết.
Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các cam kết mở cửa như trên thể hiện lợi ích rõ ràng về mặt thương mại, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao, có nguy cơ đe dọa đến thành tích xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng không dừng lại ở bề nổi mà nhiều người quan tâm đến trong toàn bộ tiến trình đàm phán EVFTA là lợi ích thương mại, EVFTA và IPA còn là động lực giúp cải cách mạnh mẽ thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của EU. Các văn bản của EU đưa ra thể hiện cam kết rõ ràng về việc đối tác phải thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng. Cụ thể, không ưu tiên ưu đãi với doanh nghiệp (DN) nhà nước, phân biệt đối xử với DN ngoài quốc doanh; yêu cầu cao về chống tham nhũng và chống lạm dụng các vị trí để tư lợi, chống lợi ích nhóm...
Thực tế, không phải đợi đến EVFTA hay mới đây là CPTPP, chúng ta mới nói đến câu chuyện cải cách. Cải cách là con đường chúng ta đang đi, chúng ta muốn thực hiện hiệu quả từ rất lâu. Với hiệp định này, việc buộc phải thực hiện cam kết sẽ tạo thành động lực. EU sẽ có bộ máy giám sát và trừng phạt nếu có vi phạm. Lúc đó, không những chúng ta bị thiệt hại về kinh tế mà uy tín của đất nước cũng bị ảnh hưởng nhiều. Còn nếu thực hiện tốt, hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu sắc, đối tác tin cậy của EU... sẽ được thế giới biết đến và ghi nhận.
Những thách thức đặt ra đòi hỏi nỗ lực rất lớn của DN Việt Nam. Dù sao, hiệp định vẫn hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả 2 phía bởi nền kinh tế của EU và Việt Nam có tính chất bổ sung nhau. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU có lợi thế là giàu tiềm năng và rẻ, như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày; còn những sản phẩm chúng ta nhập của EU thì chúng ta chưa làm được, như máy bay, ôtô, dược phẩm. Bởi vậy, không quá lạc quan khi cho rằng với những hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam được mở cánh cửa ra biển lớn và đánh được cá!
Bình luận (0)