xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở cánh cửa lớn sang EU (*): Thúc đẩy cải cách

THÁI PHƯƠNG

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích giúp làn sóng đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ thị trường này lại chưa tương xứng tiềm năng. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, nhìn nhận Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn FDI từ các nước EU vào Việt Nam.

Chưa xứng với tiềm năng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỉ USD. Tổng cộng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nếu tính lũy kế đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 28.954 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 351 tỉ USD, vốn FDI giải ngân đạt 200 tỉ USD.

Mở cánh cửa lớn sang EU (*): Thúc đẩy cải cách - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp Đức tham gia triển lãm Propak Việt Nam 2019 Ảnh: TẤN THẠNH

Phân tích từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 10 thị trường rót vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam nửa đầu năm 2019, không có quốc gia nào ở khu vực EU. Nếu tính các dự án FDI lũy kế đến nay còn hiệu lực, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu khu vực với 540 dự án, tổng vốn đăng ký 9,5 tỉ USD; tiếp theo là Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá EVFTA được ký kết sẽ là cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) được ký kết cùng lúc, với những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư, nhà đầu tư sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận xét đầu tư trực tiếp từ châu Âu tới Việt Nam, dưới tác động của hiệp định này sẽ gia tăng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trên cơ sở đầu tư trung bình của EU vào Việt Nam đạt gần 800 triệu USD/năm trong khoảng từ năm 2010-2017 và có triển vọng lạc quan hơn thời gian tới.

Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA sẽ mở cửa thị trường, tăng cường thương mại và giúp Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á. Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực để trở thành trung tâm đầu tư và thương mại trong khu vực, vị trí thuận lợi thu hút vốn FDI từ châu Âu.

Đại diện Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam cho biết các công ty Anh muốn được đầu tư và hợp tác với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mới đây, hơn 30 công ty năng lượng tái tạo đã gặp gỡ đại diện ngành năng lượng công và tư nhân ở Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư thời gian qua.

Tháo bỏ rào cản

Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng hiện nay, dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ có cả những DN EU đang hoạt động tại Trung Quốc. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận EVFTA ở mức độ nào đó sẽ giúp cân bằng hơn, đa dạng hóa quan hệ đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Dù vậy, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, trong đón làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng quá trình cải cách phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. "Cá nhân tôi muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách trong nước, tháo bỏ rào cản, tạo ra cơ hội để DN Việt thật sự tận dụng được cơ hội" - TS Nguyễn Đình Cung nói.

Trong EVFTA, cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN 2 bên. Liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý. Tại hiệp định IPA, 2 bên cam kết đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài…

GS-TSKH Nguyễn Mại nhận định nếu Việt Nam triển khai EVFTA và tháo gỡ vướng mắc của các nhà đầu tư lớn đến từ EU liên quan lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ hiện đại thì cơ hội mới trở thành hiện thực. "Nhiều nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư vào Việt Nam nhưng đòi hỏi rất cao yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính, cấp giấy phép, thuế, hải quan… cũng là rào cản cần tiếp tục cải thiện" - GS Nguyễn Mại chia sẻ. 

Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham, chỉ số môi trường kinh doanh theo quý mới nhất của EuroCham cho thấy hơn 1.000 DN thành viên đã tái xác nhận kỳ vọng tích cực vào sự tăng trưởng thương mại và kinh tế Việt Nam.

Dù vậy, các DN vẫn còn quan ngại một số chính sách như yêu cầu kiểm định từng lô đối với ngành kinh doanh ôtô; việc chứng nhận các phụ tùng ôtô và thuế nhập khẩu, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với mẫu xe máy; định giá hải quan, quy trình thông quan và áp dụng mã HS; thanh tra thuế; hoàn thuế GTGT... "Nếu những vấn đề này được giải quyết, môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể, đầu tư FDI được đẩy mạnh giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho kinh doanh và thương mại" - ông Tomaso Andreatta nhận định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo