Với cam kết mở cửa mạnh mẽ của EU sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ được xóa bỏ.
Cửa rộng nhưng không dễ qua
Ông Lê Hoàng Phương, chuyên viên vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận xét phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay, hiện đều có mức thuế suất nhập khẩu trung bình trên 10%-20%, nên mức cam kết này sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ cạnh tranh nhập khẩu được với các nước khác cũng đưa hàng vào EU nhưng chưa có hiệp định thương mại với EU, như Thái Lan, Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn sản phẩm rau quả từ EU vào Việt Nam, người sản xuất sẽ có thời gian thích ứng phù hợp. Chưa kể, sản phẩm EU có thế mạnh là các loại rau quả ôn đới, ít cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Do vậy, dự kiến việc mở cửa không tạo sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) không dễ dàng khai thác thị trường này. Thực tế, lượng xuất khẩu trái cây sang EU của các DN không nhiều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa ra số liệu trong năm 2018, Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ là những thị trường nhập khẩu nhiều trái cây của Việt Nam nhất nhưng thị phần lại nhỏ. Chẳng hạn, lượng trái cây Hà Lan nhập của Việt Nam chỉ chiếm 1,65% tổng thị phần xuất khẩu.
Chế biến rau quả tại nhà máy Tanifood (Tây Ninh) Ảnh: AN NA
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ ra nguyên nhân DN Việt Nam chưa khai thác được thị trường EU là do thuế quan và hàng rào kỹ thuật. Theo ông, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ chưa phải là "chìa khóa" giúp thúc đẩy xuất khẩu trái cây bởi vấn đề lớn nhất nằm ở chất lượng.
"Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU rất khắt khe trong khi sản xuất của Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm phun xịt hóa chất. Công nghệ bảo quản trái cây chưa đạt tiêu chuẩn để giữ chất lượng đối với thị trường xa, vận chuyển kéo dài như EU. Tuy gần đây, một số địa phương hình thành vùng chuyên canh trồng trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) nhưng quy mô còn nhỏ. Ngành rau quả có thể phải mất vài năm mới có thể tận dụng lợi thế từ EVFTA" - ông Nguyên nhìn nhận.
Các chuyên gia nhận định ngành rau quả của Việt Nam nếu vượt qua được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, EVFTA sẽ tạo ra cú hích về tăng trưởng cho nhiều DN đang theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Thịt, sữa không dễ "ăn"
Một nội dung khác của EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với động vật sống, thịt trâu, bò, heo; loại bỏ thuế trong vòng 5-7 năm đối với sản phẩm từ gia cầm và một số sản phẩm chế biến từ bò, heo. Ông Lê Hoàng Phương phân tích: "Mức cắt giảm tương đối lớn nhưng do Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu các loại trâu, bò, heo, gà sống trong khi EU chủ yếu nhập khẩu sản phẩm thịt chế biến nên ưu đãi thuế từ EVFTA chỉ trở thành hiện thực nếu DN chuyển hướng sang xuất khẩu sản phẩm EU quan tâm".
Lợi thế với Việt Nam là cam kết mở cửa nhóm sản phẩm này với EU rất dè dặt. Do đó, tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước sẽ không quá đột ngột, thời gian tương đối dài để điều chỉnh, thích ứng với cạnh tranh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tỉ trọng và kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng đáng kể, bởi ngoài thuế quan các yếu tố tâm lý người tiêu dùng ưa hàng châu Âu sẽ làm gia tăng cạnh tranh đáng kể cho ngành chăn nuôi ngay tại Việt Nam.
Ngành sữa cũng là một trong những ngành ít có lợi thế hơn so với nhóm khác trong hiệp định này. Các chuyên gia đánh giá dù EU xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực nhưng DN sữa Việt gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU chưa cấp phép nhập khẩu sữa xuất xứ Việt Nam. Thêm vào đó, các DN sữa trong nước phải cạnh tranh với sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU vốn có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn cho sức khỏe.
Tuy vậy, áp lực hiện chưa quá lớn vì sản phẩm sữa nhập từ EU chiếm tỉ trọng nhỏ trong tiêu thụ sữa nói chung ở thị trường trong nước, ví dụ sữa whey và các biến thể, bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột.
Đồ gỗ "chuyển mình" đón cơ hội
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), chia sẻ trước khi hiệp định được ký kết, DN đã xâm nhập thị trường châu Âu. Tuy vậy, hiệp định đi vào thực thi sẽ đòi hỏi DN nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, trong đó có việc xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu minh bạch, các điều kiện về môi trường, lao động theo tiêu chuẩn châu Âu. Theo ông, khó khăn nhất hiện nay là 60%-70% sản phẩm nguyên liệu gỗ hiện nay đến từ nguồn nhập khẩu.
Thực tế, DN gỗ hiện nhập khẩu nguyên liệu từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 120 loài khác nhau. Do đó, việc xác định tiêu chí loài rủi ro, vùng địa lý rủi ro khi xây dựng các quy định về kiểm soát chuỗi cung gỗ nhập khẩu sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước cũng phải tuân thủ các quy định của hiệp định và sẽ gặp trở ngại không hề nhỏ vì thương lái cung ứng gỗ khó có thể đáp ứng quy định. Các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở các làng nghề gỗ sẽ gặp khó khăn đối với việc lưu giữ hồ sơ và xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Thừa nhận EVFTA sẽ giúp DN gỗ phát triển mạnh hơn nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cũng cho rằng để chiếm lĩnh được thị trường khó tính này, phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản, đòi hỏi sản xuất công nghiệp hiện đại, đầu tư công nghệ bài bản…
Nhiều DN đồ gỗ đã nhận thức được điều này và chủ động đầu tư công nghệ mới nhằm giải quyết vấn đề về năng suất lao động, ổn định chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm. "DN nhận xét hiệp định này tuy có giảm thuế nhưng việc giảm không đem lại nhiều lợi thế vì thuế suất mặt hàng gỗ thời gian qua đã ở mức thấp nên dù cắt giảm thêm nữa cũng không ảnh hưởng nhiều. Điều quan trọng là DN được hưởng thuế suất ưu đãi khi nhập khẩu các thiết bị, công nghệ từ thị trường châu Âu để đầu tư nâng cấp nhà máy tạo chất lượng sản phẩm gỗ tốt hơn, năng suất cao hơn, giá thành được kéo giảm đáng kể. Đây là lợi thế cạnh tranh đáng kể cho ngành gỗ" - ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), nói.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, cũng thừa nhận ngành gỗ sắp tới sẽ còn thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam kéo theo nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing cũng đồng hành hội tụ về Việt Nam.
Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng DN chế biến gỗ của EU sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các nước khác. Từ đó, DN chế biến gỗ Việt Nam sẽ tiếp cận được công nghệ tiên tiến của EU, thay thế cho công nghệ chế biến gỗ của Trung Quốc, Đài Loan.
Chú ý đến môi trường và phát triển bền vững
Là DN xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, kỳ vọng EVFTA sẽ giúp DN tăng thị phần vào EU từ 12% hiện tại lên 15%-20% khi mức thuế về 0%. "Từ trước đến nay, khách EU, nhất là Pháp, thường không mua tôm luộc từ Việt Nam do phải chịu thuế 11% mà mua tôm nguyên liệu (thuế 4%) về rã đông luộc lại dù cho chất lượng có giảm sút. Khi hiệp định có hiệu lực, DN Việt Nam sẽ có lợi thế khi xuất khẩu dòng hàng này" - ông Quang nói thêm.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA, tránh những rủi ro, bất lợi, DN cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của hiệp định; tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. Ngoài ra, DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững bởi đó là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA.
Bình luận (0)