Ngày 30-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Cùng dự hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nhiều địa phương vươn lên
Khái quát bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng cho biết trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn đạt 7,02%, quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỉ USD. Cùng với đó là hàng loạt kỷ lục về xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối.
Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng và xác định công thức "3 trong 1" của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường. Đây cũng là mục tiêu mà các địa phương bám sát để thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh ngoài vai trò của các TP đầu tàu như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, trở thành nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại hội nghị Ảnh: QUANG HIẾU
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết địa phương này đã hoàn thành 22 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, đóng góp 19,37% vào tăng trưởng GDP cả nước. Đặc biệt, năm 2019, TP tiết kiệm chi ngân sách tới 2.587 tỉ đồng.
Dù vậy, TP Hà Nội vẫn còn các tồn tại trong lĩnh vực môi trường, ùn tắc giao thông, xử lý một số sự cố ô nhiễm môi trường còn chậm. Công tác cán bộ cũng được ông Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nhìn nhận là chưa ổn; ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, công chức chưa tốt, có trường hợp phải xử lý hình sự. Năm 2019, TP Hà Nội xử lý 1.019 đảng viên, cá nhân có liên quan, chuyển cơ quan điều tra xử lý 37/40 vụ việc; xử lý hành chính 1.473 cá nhân, thu hồi 1.902 tỉ đồng và 1.788 ha đất.
Phát triển kinh tế của TP HCM cũng có nhiều điểm sáng khi tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 8,32% so với năm 2018. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năng suất lao động của TP này đạt 299 triệu đồng/người, thu ngân sách hơn 412.000 tỉ đồng, thu hút 8,3 tỉ USD vốn FDI.
Kiến nghị cơ chế về ngân sách
Nêu kiến nghị của TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh để bảo đảm nguồn lực, TP đề xuất xây dựng đề án cơ cấu lại tỉ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2021-2025; Chính phủ tạo nguồn lực tương xứng, động lực mạnh mẽ hơn cho TP HCM; Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; cùng đó là đề xuất xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế.
Người đứng đầu UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép TP áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để các địa phương thuận lợi khi triển khai, thực hiện.
Vượt thu ngân sách năm 2019 lên tới 23.000 tỉ đồng, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét cho TP này được hưởng theo tỉ lệ vượt thu đã quy định. "Ngân sách được hưởng từ số vượt thu sẽ giúp địa phương có nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối vùng với các địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương" - ông Thành đề xuất.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét có cơ chế xây dựng Khu Làng vận động viên, đồng thời xây dựng và sửa chữa các công trình phục vụ thi đấu. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ quan tâm thủ tục để triển khai xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, bởi nhà đầu tư đã ứng trên 1.500 tỉ đồng giải phóng mặt bằng từ năm 2017. Đối với việc giải ngân vốn cho các dự án ODA, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép giải ngân vốn theo tiến độ dự án, để bảo đảm phần trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động từ quý IV/2020.
Phải nâng cao tính tự chủ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tốt hơn năm 2018. GDP bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD là con số rất ý nghĩa và chưa từng có trong lịch sử. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét.
Năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới còn khoảng 4%, tỉ lệ bao phủ BHXH, BHYT đạt trên 90%. "Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 đoạt 228 huy chương, trong đó có 98 huy chương vàng. Hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đều giành huy chương vàng, điều đó thể hiện ý chí, khát vọng Việt Nam, có người nhận xét đây là biểu hiện của vận nước đang lên" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước tiếp tục tăng cường. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, giúp củng cố hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, nâng cao vị thế của Việt Nam. Hai sự kiện điển hình là Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý các cấp, các ngành không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, bởi vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần giải quyết. Tăng trưởng của nền kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, sức ép lạm phát còn lớn, tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thấp, còn ách tắc, trong khi kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững.
Do đó, trong năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đánh giá giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn đối với các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc, nhất là người đứng đầu; tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội như "hoàng hôn nhiệm kỳ", vận động tranh thủ phiếu bầu, kích động chia rẽ nội bộ. Công tác nhân sự phải đặc biệt coi trọng chất lượng và cơ cấu hợp lý, người được bầu vào cấp ủy phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch. Các cấp, các ngành chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là về biển Đông để chủ động, kịp thời ứng phó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Hội nghị tiếp tục trong hôm nay, 31-12.
Doanh nghiệp kêu đến Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vẫn còn tình trạng giấy tờ gây khó cho doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty. Thủ tục hiện nay có cải tiến nhưng vẫn chậm trễ, nhũng nhiễu, một số thủ tục liên quan người dân, doanh nghiệp còn bị gây khó khăn nên còn ý kiến kêu ca đến tai Chính phủ và Thủ tướng. Thủ tướng đề nghị hạn chế người làm thủ tục nhằm phòng chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt và yêu cầu trong năm 2020 phải thực hiện thủ tục không giấy tờ.
Bàn lùi thì đứng sang một bên
Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển; tránh tư tưởng làm việc cầm chừng, phòng thủ, giữ an toàn trong một bộ phận công chức. "Tôi nói nhiều lần rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng đó thì đứng sang một bên cho người khác làm" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và khẳng định vừa qua phòng chống tham nhũng như vậy nhưng kinh tế vẫn phát triển đi lên chứ không đi xuống...
Bình luận (0)