Ngày 26-1, ông Lê Anh Tuân - nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Môi trường - Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới - cho biết ông và ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên giám đốc ban này, vừa có đơn tố cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công an tỉnh Quảng Bình cùng các ban ngành liên quan, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự 1 cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh.
Đó là ông Nguyễn Phước Khoa, cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Bình - bị tố cáo về việc giám định khống khối lượng khoan tạo lỗ và rà phá bom mìn tại Dự án gói thầu "DH-3.1- rà phá bom mìn, vật liệu nổ" - gây oan sai cho nhiều người.
Trước đó, tháng 12-2018, gói thầu "DH-3.1- rà phá bom mìn, vật liệu nổ" trị giá hơn 11 tỉ đồng do UBND tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư; Ban Quản lý Dự án Môi trường - Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới trực tiếp quản lý dự án; đơn vị thi công là Tổng Công ty Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) thực hiện trong phạm vi 3,7 ha ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.
Sau khi bàn giao, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức trưng cầu giám định lại toàn bộ dự án vì có đơn tố giác cho rằng đơn vị thi công làm khống khối lượng.
Cách đây hơn 3 năm, Tổng công ty Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) thực hiện dự án trong phạm vi 3,7 ha ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới
Thời điểm đó, ông Nguyễn Phước Khoa đã hợp đồng với Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình tổ chức giám định tại hiện trường và kết luận "làm khống khối lượng, không thi công tại gói thầu thuộc dự án này".
Tháng 12-2019, VKSND tỉnh Quảng Bình quyết định khởi tố, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Thuận - nguyên giám đốc; ông Lê Anh Tuân - Phó giám đốc và 2 cán bộ Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh thuộc Ban Quản lý Dự án Môi trường - Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đơn tố cáo, ông Khoa không hề có chứng chỉ hành nghề giám định như quy định của pháp luật hay nghiệp vụ về lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Dù vậy, ông này vẫn hợp đồng với Trung tâm Kiểm định của Sở Xây dựng để thực hiện quá trình giám định.
Ngoài ra, phạm vi thực hiện dự án rà phá bom mìn rất rộng, các vị trí khoan tạo lỗ chủ yếu là các tuyến cống nước thải áp lực, hố ga sâu trên 5m và các chỗ đặt trạm bơm nằm rải rác ở các tuyến, do vậy muốn định vị chính xác phải dựa vào các mốc đường chuyền khảo sát, sử dụng các thiết bị toàn đạc, thiết bị kinh vĩ, tạo lưới để xác định đúng vị trí cần giám định…
Mới đây, nhóm công nhân Công ty Hoàng Huy Toàn trong quá trình thực hiện 1 dự án khác đã bất ngờ phát hiện vô số cọc nhựa - là bằng chứng của biện pháp thi công của dự án mấy năm về trước
Trong khi đó, ông Khoa không hề sử dụng thiết bị nào, không có chứng chỉ hành nghề nghiệp vụ về rà phá bom mìn, vật liệu nổ và có thể làm khống khối lượng. Trong thành phần tham gia giám định cũng không có kỹ sư khảo sát thiết kế công trình của dự án, vì vậy không thể xác định đúng vị trí và có thể dẫn đến kết luận giám định sai, gây oan sai cho lãnh đạo, cán bộ và quân nhân.
Ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Bình, khẳng định sở không hề điều động ông Nguyễn Phước Khoa tham gia giám định tại dự án "DH-3.1; rà phá bom mìn, vật liệu nổ", mà đây thuộc vấn đề cá nhân ông Khoa vì giám định tư pháp cá nhân độc lập.
Theo Luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ), các gói thầu rà phá bom mìn do các đơn vị kinh tế của Bộ Quốc phòng hợp đồng thực hiện, UBND tỉnh Quảng Bình là chủ đầu tư nhưng lại trưng cầu giám định của thuộc cấp là các cá nhân, tổ chức thuộc các sở chuyên môn nên sẽ thiếu khách quan, vi phạm pháp luật về giám định tư pháp.
"Cần phải trưng cầu giám định lại bởi một giám định viên khác hoặc hội đồng giám định có chuyên môn về rà phá bom mìn theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp để tránh oan sai" - luật sư Thành phân tích.
Bình luận (0)