Đánh giá này của ông Mai Văn Trinh là sau 2 ngày làm việc để làm rõ nghi vấn về chỉnh sửa, can thiệp kết quả hàng chục bài thi tại tỉnh Sơn La.
Trước đó, ngày 19-7, trả lời báo chí về việc này, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, khẳng định: Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào (!?).
Có lẽ không cần bình luận gì thêm về phát ngôn này của ông giám đốc sở, bởi không khó để nhận ra bản chất vấn đề và cách quan chức thường ngụy biện, đem cái gọi là quy trình ra để biện minh cho việc làm chưa đúng của cơ quan, đơn vị mình. Quy trình đúng mà người sai thì vẫn cho ra kết quả sai, vẫn làm sai lệch bản chất vụ việc. Đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) - Bộ Công an cho biết tổ công tác của Bộ Công an và Bộ GD-ĐT bước đầu phát hiện những sai phạm ở Sơn La, như hội đồng thi tỉnh này chưa thực hiện nghiêm quy trình chấm thi, bảo quản, niêm phong bài thi. Các bước chuẩn bị cho công tác coi thi, chấm thi đều có vấn đề.
Những ngày qua, dư luận cũng khá bất ngờ khi ngày 14-7, Bộ GD-ĐT cử đoàn cán bộ lên Hà Giang nhằm làm rõ vụ điểm thi cao bất thường ở tỉnh này. Cũng trong ngày 14-7, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, trả lời báo chí, cho rằng "không có gì quá đặc biệt". Ông nói: "Có những phần, chương, môn nắm chắc, học thuộc nhưng hôm đi thi chỉ làm đạt mức trung bình, thậm chí yếu, về tiếc mãi. (…) Ngược lại, có những bạn học bình thường nhưng có nhiều lý do mà hôm đó làm tốt hơn. Những chuyện đó mọi người có quyền suy nghĩ, tuy nhiên không có gì quá đặc biệt". Trong khi đó, theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang, từ ngày 7-7, hội đồng thi tỉnh này đã phát hiện dấu hiệu bất thường và báo cáo các cơ quan có trách nhiệm. Nghĩa là ông giám đốc sở đã biết có tiêu cực trong hội đồng thi nhưng vẫn vờ như không biết, không nói thẳng trong khi trả lời báo chí.
Ai cũng biết một trong những đức tính cần có của người làm quan là trí và dũng. Cái dũng là dám làm, dám nhận, đột phá trong cách làm để tạo hiệu quả tốt hơn. Sai thì dám nhận, sai trong lĩnh vực mình phụ trách càng không thể né tránh trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác. Không ai có thể bịt mắt làm ngơ khi sự việc phơi bày trước bàn dân thiên hạ được nữa.
Dư luận cả nước cần các quan chức lãnh đạo chính quyền và ngành GD-ĐT địa phương, cùng với Bộ GD-ĐT nhìn thẳng sự thật, phải quyết tâm làm cuộc đại phẫu để cắt bỏ ung nhọt tiêu cực thi cử trong ngành và cải tiến hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, theo kịp sự phát triển của nhân loại, không để tụt hậu xa hơn. Phải làm trong sạch ngành lâu nay được xã hội trọng vọng bởi sự thanh đạm, bởi tài năng và thiện tâm, bởi là ngành trồng người, tạo nên những thế hệ học sinh Việt là con ngoan trò giỏi và có đạo đức trong đời. Phải đem lại niềm tin và sự công bằng cho các học sinh, cho cộng đồng xã hội.
Bình luận (0)