Câu chuyện gây phẫn nộ trên không phải xảy ra ở hang cùng ngõ hẻm xa xôi, mà diễn ra hằng ngày tại giữa TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đủ kiểu hành hạ tàn nhẫn như thời trung cổ không cần lý do và kẻ thủ ác là Nguyễn Thị Hà, nghi vấn là nghiện ma túy. Vụ việc này gợi ra nhiều nỗi nghi ngại và bất an. Cô gái đó bị hành hạ trong cả một thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Cô gái thoát ra khỏi bàn tay đẫm máu của bà Hà cũng cực kỳ khó khăn và tự thân tìm đường sống trong nguy hiểm.
Bất cứ địa phương nào cũng có chính quyền cơ sở, thấp nhất là tổ dân phố, cao hơn là phường - xã, huyện - thị... Một vụ việc gây chấn động như thế và diễn ra ngay tại nhà của một đối tượng nghi vấn sử dụng ma túy mà không ai hay biết quả là thất bại. Chỉ có sự lơ là mới có thể để những chuyện như vậy xảy ra.
Câu chuyện của cô gái Y Nhiêu làm chúng ta nhớ đến cậu bé đáng thương Hào Anh ngày nào, cũng những vết thương chằng chịt khắp cơ thể, cũng gương mặt sứt sẹo đớn đau và tâm lý khủng hoảng cực độ. Gần một năm trời em bị hành hạ trong trại tôm ở Cà Mau nhưng chính quyền địa phương không hề biết. Sau 7 năm thoát khỏi đòn roi, cậu bé Hào Anh vẫn không có được tâm lý ổn định để tạo dựng cuộc sống bình thường. Những vết thương đã hằn sâu trong ký ức không gì có thể chữa lành.
Trong những ngày này, một vụ việc gây bức xúc khác diễn ra cũng tại thành phố lớn nhất nước là TP HCM: bị đơn và gia đình tấn công hội đồng xét xử và cả phóng viên đưa tin phiên tòa tại huyện Bình Chánh. Phiên tòa này xử vụ kiện của 6 hộ dân bị một gia đình tranh chấp lối đi và dùng vật liệu bít đường ra vào. Vụ việc không phải quá lớn đối với một thành phố với hơn 10 triệu dân nhưng lại kéo dài gần 4 năm. Chính quyền phường không giải quyết đến nơi đến chốn, tranh chấp dẫn đến huyện và cơ quan chức năng cũng dằng dai cho đến nay. Và hậu quả của nó đã diễn ra, những người xem thường pháp luật dùng bạo lực để giải quyết vấn đề mà lần này nạn nhân chính là nhân viên công lực.
Hướng về điều tốt đẹp, chúng ta cũng không thể dằn lòng trước cái ác cứ đang hiển hiện từng ngày. Làm sao có thể chịu đựng nổi khi bao con người vô tội bị hành hạ: những đứa trẻ còn ngậm sữa bị bảo mẫu đánh đập, đe dọa trong nhà trẻ; những kẻ nghiện bỗng dưng tước đoạt mạng sống của người khác; những kẻ cướp sẵn sàng ra tay tàn độc...
Trong mỗi con người có thể lẩn khuất những phần bất thiện. Vấn đề còn lại chính là có cách quản lý chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn cái ác; pháp luật đủ sức mạnh để trừng trị và răn đe những hành vi bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Hào Anh của quá khứ và Y Nhiêu hôm nay là nỗi xấu hổ của bộ máy quản trị địa phương và của cả chúng ta - những người trong cuộc sống hiện đại.
Bình luận (0)