Chiều 6-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để ứng phó với tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả bão số 12.
Số người chết, mất tích tăng nhanh
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 12 là cơn bão mạnh, đổ bộ trực tiếp vào Nam Trung Bộ. Hoàn lưu bão gây mưa rất lớn. Đến ngày 6-11, bão số 12 và mưa lũ đã làm 46 người chết, 15 người mất tích; 1.358 nhà sập đổ, 114.866 nhà bị tốc mái, hư hỏng; gần 20.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại.
Đến chiều 6-11, phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn chìm trong biển nước Ảnh: VĨNH QUYÊN
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình thiệt hại do bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết bão số 12 làm Khánh Hòa chết 27 người; 4.993 nhà sập hoàn toàn; 97.851 nhà tốc mái, hư hỏng; khoảng 1.100 tàu bị chìm. Ước thiệt hại trên toàn tỉnh khoảng 7.000 tỉ đồng. "Tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp 25.000 tấn gạo cứu đói. Hỗ trợ kinh phí 1.155 tỉ đồng để khắc phục sản xuất; giao thông, thủy lợi; khắc phục hạ tầng nhà ở, trường học, y tế, cơ quan…. tỉnh cũng cần 40 ngàn tấn xi măng, 10 triệu viên gạch, 20 triệu viên ngói để khắc phục nhà cửa cho dân… .".
Sau khi lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Khánh Hòa chỉ đạo ứng phó bão lũ rất tốt; và cái gì cấp thiết thì đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét".
Mưa lũ tiếp tục hoành hành
Khánh Hòa, Phú Yên là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 12 gây ra. Sau khi bão tan, cùng với 2 địa phương này, nhiều tỉnh, thành miền Trung tiếp tục hứng chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài.
Đến ngày 6-11, tỉnh Bình Định đã vớt được 8/13 thi thể thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu do bão số 12 gây ra. Cùng với thiệt hại lớn về người, toàn tỉnh có 144 nhà sập, 613 nhà hư hỏng, tốc mái và 9.608 nhà ngập nước; 781 ha lúa, 473 ha hoa màu bị hư hại... Đến thời điểm này, 55 xã mất điện vẫn chưa khắc phục được.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến cuối ngày 6-11, mực nước trên các sông đều xuống dưới báo động 3 nhưng tại nhiều vùng hạ du, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Mưa lũ đã làm 6 người chết, 3 người mất tích. Còn ở Quảng Nam, chỉ trong 2 ngày 5 và 6-11, có ít nhất 20 người chết và mất tích trong mưa lũ. Đến cuối ngày 6-11, hàng trăm ngàn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh đang chìm trong biển nước; bị cô lập, mất điện trên diện rộng. Toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 5 người chết, 1 người mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà tại 34 xã, thị trấn trên toàn tỉnh vẫn còn ngập; 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 179 nhà bị tốc mái.
Các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị cũng thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra và dốc toàn lực để khắc phục hậu quả. Thống kê sơ bộ cho biết hơn 4.000 nhà dân, khoảng 100 ha hoa màu và thủy sản trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng bị ngập chìm.
Giúp dân ổn định cuộc sống
Tại cuộc họp với Thủ tướng, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết đã huy động 12.000 bộ đội chủ lực, dự kiến tiếp tục huy động 10.000 bộ đội để giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. "Nhu cầu địa phương cần bao nhiêu quân, quân đội sẽ đáp ứng" - tướng Chiêm khẳng định.
Thượng tướng Lê Chiêm cũng đánh giá công tác phòng chống bão vừa qua một số nơi vẫn chưa chủ động, còn thiếu kinh nghiệm trong ứng phó bão. "Như ở cảng Quy Nhơn để tàu vào gấp 3-4 lần năng lực chứa, cực kỳ nguy hiểm. Nếu bão to hơn thì không biết hậu quả thế nào" - tướng Chiêm nói.
Chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp, không để dân bị đói cơm, đứt bữa hay sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bị dịch bệnh. "Tất cả các cấp, các ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần tập trung giải quyết, quyết liệt, làm tốt nhất trong khắc phục hậu quả giúp nhân dân vùng bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng quyết định giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương để hỗ trợ người dân bị thiên tai. "Ngay sau đây Chính phủ sẽ xuất cấp dự trữ quốc gia để hỗ trợ địa phương bị thiệt nặng 500 tấn gạo, địa phương bị thiệt hại nhẹ hơn thì 100-200 tấn gạo" - Thủ tướng nói.
Chủ tịch nước kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào
Chiều 6-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chủ tịch nước đã dành mỗi người ít nhất một ngày lương để ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" - nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam, tiếp tục ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả thiên tai, dần khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được phân bổ tới tận tay những gia đình bị thiệt hại do mưa bão, giúp đồng bào từng bước vượt qua khó khăn.
Cùng ngày, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội cũng tổ chức kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ gây ra.
Tại TP HCM, lễ phát động quyên góp đồng bào bị thiệt hại do mưa bão cũng được tổ chức vào sáng cùng ngày. Lãnh đạo Thành ủy cùng cán bộ, chuyên viên, đoàn viên Công đoàn Cụm thi đua số 6 - Công đoàn Viên chức TP HCM đã quyên góp được gần 66 triệu đồng.
TR.HOÀNG - B.T.Q
Báo Người Lao Động sẵn sàng tiếp nhận mọi đóng góp, ủng hộ của bạn đọc, nhà hảo tâm đối với đồng bào miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Địa chỉ tiếp nhận: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM. Số tài khoản: 117000004884 - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP HCM
Bình luận (0)